Trao đổi với Zing, chàng ca sĩ, và cũng là tác giả trẻ, cho rằng những kẻ làm giả và lậu sách ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, đặc biệt trên môi trường số. Nhiều người mua không hề biết đó là hàng giả cho tới khi thực sự cầm những cuốn sách kém chất lượng trên tay.
Hamlet Trương vừa là ca sĩ, nhạc sĩ vừa là một cây bút có thực lực. Ảnh: NVCC. |
Ăn cắp chất xám trắng trợn
- Sách giả, sách lậu ảnh hưởng anh, cũng như các tác giả khác, như thế nào?
- Ở nước ngoài, bản quyền kiểm soát chặt chẽ, tác phẩm ăn khách được bán cả triệu bản, tác giả có thể sống tốt để sáng tác tiếp. Với nhiều tác giả trong nước, bán được 1.000-2.000 bản là vui rồi. Nhuận bút cho người viết ở mức 10-15% giá bìa.
Nhà sản xuất càng phải đối phó những khó khăn đến từ sách giả, sách lậu. Vấn nạn này đang "giết chết" cùng lúc cả tác giả lẫn nhà xuất bản mà không cần gươm giáo.
Tham gia viết sách, Trương cũng bị ảnh hưởng bởi sách giả, sách lậu và những vi phạm bản quyền, nhất là trên thị trường số. Thế nhưng, những ảnh hưởng đó không lớn như đồng nghiệp khác, vì hoàn cảnh của Trương khá khác biệt.
Với nhiều tác giả, công ty sách, thiệt hại do sách giả, sách lậu rất lớn. Đặc biệt, những tác giả trẻ đang trên đường khẳng định bản thân, sách giả, sách lậu không khác gì cơn sóng khủng khiếp của cuộc đời.
Các tác phẩm mới của họ có số lượng in lần đấu không nhiều, khoảng 1.000-2.000 bản. Nhuận bút lại phụ thuộc số lượng in đó.
Nếu sách giả bán chạy hơn sách thật, sách thật có thể không được in nữa. Điều đó đồng nghĩa tác giả trẻ không có thu nhập để tiếp tục sáng tạo, sống cùng nghề.
- Anh từng mua nhầm hay được tặng sách của mình bị làm giả chưa? Cảm xúc lúc đó ra sao?
- Có chứ, Trương từng cầm trên tay cuốn Thương nhau để đó bị làm giả, chất lượng kém, không tem bản quyền. Mĩnh cũng bắt gặp một vài cuốn sách khác bị làm giả, bày bán ven mấy con đường lớn trong thành phố. Khi đó, dù đang làm gì cũng không thể vui nổi, cảm thấy rất xót xa.
Nhã Nam là công ty sách, không phải nhà xuất bản, nhưng một fanpge bán sách giả lấy tên "NXB Nhã Nam - trang chuyên xả hàng tồn kho". Ảnh: Quỳnh Trang. |
- Nhà xuất bản, công ty sách, cũng như bạn đọc, bị ảnh hưởng như thế nào bởi nạn sách giả, sách lậu?
- Để có thể đem được một cuốn sách nước ngoài về Việt Nam in ấn, phát hành, các nhà xuất bản, công ty sách phải bỏ công sức, chi phí rất lớn. Khó khăn nhất có lẽ là bản quyền. Nhiều khi, các công ty sách phải tham gia đấu giá để có bản quyền của cuốn sách hay.
Các khâu in ấn, thiết kế, chào bán… đều đòi hỏi chi phí cao. Ngoài ra, để có sản phẩm như ý, họa sĩ vẽ bìa cũng phải đầu tư công sức hơn trước.
Cuối cùng, để đưa sản phẩm tới nhà sách, điểm phát hành, họ cũng phải chia phần trăm cho các bên. Vì thế, các đơn vị xuất bản, phát hành bị ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp trước vấn nạn sách giả, sách lậu và vi phạm bản quyền trên thị trường số.
Với bạn đọc, sách giả chắc chắn không thể đẹp như sách thật, được in ấn từ giấy thừa, không đảm bảo chất lượng. Bìa in vội vàng, lệch lạc... Những người đam mê sách xứng đáng với sản phẩm tốt, được đầu tư công phu và có tem bản quyền rõ ràng, đáng "đồng tiền bát gạo". Khi vô tình gặp phải những cuốn sách giả, sách lậu, rõ ràng, đó là thiệt hại lớn đối với người đọc.
Làm sao để dẹp vấn nạn sách giả, sách lậu?
- Hiện nay, sách giả, sách lậu được rao bán với giá rất thấp, chỉ bằng 40-50% sách thật. Làm thế nào để sách thật lấy lại vị thế vốn có?
- Trương cho rằng cần có chính sách bảo vệ người làm sách từ các cơ quan chức năng. Tiếp đó, công tác tuyên truyền về sách thật từ những cơ sở, người nổi tiếng có uy tín, có thể sẽ hiệu quả.
Hãy giúp độc giả hiểu rằng họ xứng đáng có cuốn sách thật. Người ta có thể làm giả giấy, nhưng không thể làm giả giá trị đi cùng cuốn sách.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp để tìm ra tận gốc những nơi phát tán sách giả, sách lậu trên mạng.
Cần những chiến dịch tuyên truyền cho đại chúng, ví dụ băng-rôn treo đường phố, standee ở các nhà sách, page của tác giả nổi tiếng, video phân biệt sách thật - giả trên mạng xã hội... Hơn hết, đó là sự đồng lòng của các công ty sách cùng nhà xuất bản.
Sách lậu do một công ty sách mua từ một chợ thương mại điện tử. Ảnh: First News. |
- Các đơn vị sản xuất, phát hành sách cần làm gì?
- Trương cho rằng để hướng tới một thị trường sách trong sạch, đơn vị xuất bản cần cải tiến hình thức lẫn chất lượng, giúp người đọc phát hiện sự khác biệt.
Họ cũng nên bổ sung nhiều tặng phẩm độc quyền đi kèm để kẻ xấu không thể làm giả. Quan trọng hơn, chúng ta nên chủ động mang sách đến độc giả qua các tour giới thiệu ở trường học, cơ quan, hội chợ, chứ không đợi bạn đọc tìm đến mình.