Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bán sách lậu có thể bị phạt 300 triệu đồng, xử lý hình sự

Hành vi làm, buôn bán sách lậu có thể bị phạt tiền với mức cao nhất lên đến 300 triệu đồng, nặng hơn sẽ phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ.

Trao đổi với Zing, bà Trần Thị Tám - Luật sư sở hữu trí tuệ tại Công ty IPCom Việt Nam - cho rằng các quy định pháp luật về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần được điều chỉnh theo hướng tăng trách nhiệm.

Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về sở hữu trí tuệ cũng rất quan trọng.

Che tai xu phat sach lau anh 1

Một fanpage giả mạo NXB Trẻ với tên "Tổng kho xuất bản sách NXB Trẻ". Ảnh: Quỳnh Trang.

Vi phạm hoạt động xuất bản có thể bị xử lý hình sự

- Hiện nay, pháp luật quy định chế tài xử phạt ra sao đối với hành vi làm, buôn bán sách lậu, thưa bà?

- Pháp luật Việt Nam quy định về hành vi làm, buôn bán sách lậu chia làm hai loại, có các chế định pháp luật riêng điều chỉnh là Luật Xuất bản và Luật Sở hữu Trí tuệ.

Cụ thể, hành vi in ấn xuất bản phẩm, tàng trữ, phát hành những xuất bản phẩm không phép quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản và hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Tương ứng mức độ hành vi, Bộ luật Hình sự cũng quy định truy tố hình sự đối với người vi phạm hoạt động xuất bản hoặc thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự).

Các hành vi này, nhẹ thì bị phạt tiền với mức cao nhất khoảng 300 triệu đồng, nặng có thể bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ trong trường hợp bị truy tố hình sự.

- Những đơn vị vi phạm bản quyền sách trên mạng Internet, đưa ebook lậu lên cho mọi người đọc, tải về, chịu chế tài xử phạt ra sao?

- Các đơn vị vi phạm bản quyền sách trên mạng Internet, đưa ebook lậu lên cho mọi người đọc, tải về miễn phí, tùy trường hợp cụ thể, có thể xử phạt theo Luật Xuất bản hoặc Luật Sở hữu Trí tuệ.

Nếu căn cứ Luật Xuất bản, việc xử lý vi phạm hành chính sẽ căn cứ theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Tùy mức độ có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đến 10 triệu đồng.

Nếu căn cứ các quy định tại Luật Sở hữu Trí tuệ, người vi phạm có thể bị phạt từ 10 đến 30 triệu đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm (dưới bất kỳ hình thức nào) mà không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi xâm phạm còn bị áp dụng các biện pháp bổ sung như như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi hoặc tiêu hủy xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm, buộc nộp lại số lợi ích bất hợp pháp có được, buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

- Theo bà, người mua sách lậu có vi phạm không? Nếu có thì hành vi này chịu mức xử phạt như thế nào?

- Hành vi mua sách lậu có vi phạm pháp luật hay không sẽ phụ thuộc từng trường hợp cụ thể.

Trường hợp người mua dùng cho mục đích cá nhân, hiện nay, pháp luật chưa có chế tài xử phạt vi phạm cụ thể đối với hành vi mua bán sách lậu, mua bán sách vi phạm bản quyền.

Trường hợp người mua sách lậu, sách vi phạm bản quyền không phải dùng cho mục đích cá nhân, có thể vì thương mại, mục đích cho tặng người khác, sẽ được coi là vi phạm pháp luật, bị xử lý theo những quy định nêu trên.

Che tai xu phat sach lau anh 2

Công ty sách Đông A giữ bản quyền tiếng Việt các tác phẩm của Mario Puzo. Tuy vậy, sách của tác giả Bố già vẫn bị làm lậu, bán trên các fanpge. Ảnh: Đông A.

Cần nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân về bản quyền sách

- Một số ý kiến cho rằng chế tài xử phạt với hành vi mua bán, làm sách lậu hiện nay còn nhẹ. Quan điểm của bà ra sao?

- Hệ thống pháp luật đang ngày được điều chỉnh và hoàn thiện. Những chế tài xử phạt liên quan vấn đề bản quyền ngày càng được xử lý nặng và nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, tình trạng in lậu sách vẫn diễn ra phổ biến vì việc thực thi trên thực tế chưa hiệu quả.

Pháp luật luôn đi sau các quan hệ xã hội, do vậy, mức độ ổn định của các quy định pháp luật này chỉ tồn tại được trong thời gian ngắn. Ở thời điểm ban hành, mức phạt đó phù hợp nhưng thời điểm hiện tại, khi khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, phát triển, mức phạt như trong các quy định pháp luật lại quá nhẹ.

- Theo bà, luật cần điều chỉnh gì để xử lý hành vi làm, buôn bán, sử dụng sách lậu nghiêm minh, có tính răn đe?

- Pháp luật quy định là một chuyện, thực thi trên thực tế lại là chuyện khác. Theo quan điểm của tôi, các quy định pháp luật về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần điều chỉnh theo hướng tăng trách nhiệm khi thực hiện hành vi vi phạm.

Song song việc điều chỉnh tăng mức độ xử phạt, nâng cao hiệu quả thực thi bảo vệ pháp luật cũng quan trọng không kém.

Nếu áp dụng các quy định về sở hữu trí tuệ, sở hữu trí tuệ là quyền dân sự. Về nguyên tắc, cơ quan Nhà nước chỉ can thiệp khi có yêu cầu của chủ thể. Chủ thể phải hiểu được quyền của mình, đưa ra yêu cầu xử lý xâm phạm đối với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp bị xâm phạm.

Do vậy, việc nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức về sở hữu trí tuệ cũng là hoạt động cần được chú trọng triển khai để hỗ trợ cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiệu quả.

Nhà xuất bản lập đội phản ứng nhanh ngăn chặn sách lậu trên Facebook

NXB Kim Đồng có đội phản ứng nhanh, chuyên thu thập thông tin từ độc giả và cộng tác viên, từ đó thống kê danh mục các tài khoản Facebook bán sách giả.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm