Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhà xuất bản lập đội phản ứng nhanh ngăn chặn sách lậu trên Facebook

NXB Kim Đồng có đội phản ứng nhanh, chuyên thu thập thông tin từ độc giả và cộng tác viên, từ đó thống kê danh mục các tài khoản Facebook bán sách giả.

Sach lau tran lan tren mang anh 1

Năm 2019, Comicola - công ty truyện tranh Việt Nam - mua bản quyền cuốn truyện Hàn Quốc Nghe bảo tôi là con gái của vua để phát hành tiếng Việt. Sau đó, đơn vị này phát hiện truyện bị đưa lên mạng trái phép.

Comicola liên hệ, yêu cầu gỡ truyện khỏi trang web và được đáp ứng. Tuy nhiên, không phải nhà xuất bản, công ty sách nào cũng giải quyết được sách giả, sách lậu như vậy.

Rảnh là phải "report" sách lậu

Ông Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc bản quyền Công ty sách Nhã Nam - nói công ty ông vẫn biết tình trạng sách của mình bị làm giả, làm lậu, hoặc bị đưa ebook lên mạng trái phép.

Với ebook lậu, Nhã Nam thường liên hệ với đơn vị đăng tải ebook không bản quyền để làm việc. Nếu không nhận được phản hồi, các nhà xuất bản, công ty sẽ phải “report” trường hợp sách lậu đó tới nơi quản lý trang web, nền tảng đăng tải.

Khánh Dương - Giám đốc công ty truyện tranh Comicola - cho biết với các truyện bị đăng tải trong app của chợ ứng dụng, Comicola sẽ làm việc với Google, Apple.

“Chúng tôi sẽ gửi bằng chứng về việc sách, truyện của mình bị vi phạm. Sau đó, cũng cần một quá trình dài, tôi và phía vi phạm làm việc với nhau. Google và Apple chứng kiến quá trình làm việc đó. Họ sẽ xác định đâu là đơn vị vi phạm. Khi xác định được, họ sẽ gỡ app của đơn vị vi phạm”, ông Dương kể.

Đối với các website đăng sách, truyện lậu, việc xử lý khó hơn rất nhiều. “Khác với app, nhiều website rất 'tự tung tự tác'. Tôi không biết xử lý thế nào, phần lớn là phải trông cậy vào sự hợp tác của chủ website. Nếu họ bất hợp tác, xem như bó tay”, Khánh Dương nói.

Theo kinh nghiệm của Khánh Dương, các trang web up sách, truyện lậu thường ẩn danh. Đó có thể là cá nhân hoặc công ty có năng lực kỹ thuật số. Thậm chí, có đơn vị được vận hành bởi công ty tin học có nhân sự kỹ thuật hùng hậu, biết cách giấu danh tính.

Sau khi có phản hồi tình trạng vi phạm, truyện lậu có thể bị gỡ xuống hoặc không. Nếu tên miền đặt ở nước ngoài, việc xử lý càng khó.

Ông Nguyễn Xuân Minh gọi cách “report” này là “xử lý ngọn” chứ không giải quyết được gốc của vấn đề.

Sach lau tran lan tren mang anh 2

Nhã Nam là công ty sách, không phải nhà xuất bản, nhưng một fanpge bán sách giả lấy tên "NXB Nhã Nam - trang chuyên xả hàng tồn kho". Ảnh: Quỳnh Trang.

“Chúng tôi còn phải làm nhiều việc để đưa sách hay, sách tốt tới bạn đọc; không thể suốt ngày đi 'report' được. Có thời gian rảnh ra thì 'report' sách lậu”, ông Minh nói.

Là người có kiến thức về công nghệ thông tin, ông Khánh Dương khẳng định nếu muốn, cơ quan chức năng có thể xử lý các trang web đăng tải sách lậu. Đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước, giới làm sách, cần đánh giá việc mạnh tay với vi phạm bản quyền là cần thiết.

Lập đội phản ứng nhanh ngăn chặn sách lậu

First News Trí Việt là đơn vị theo dõi, lên tiếng về tình trạng sách giả, sách lậu trong nhiều năm qua. Đơn vị này từng tham gia tìm hiểu, đi cùng đoàn thanh tra, kiểm tra các đơn vị in, “ổ” sách lậu.

Họ cũng từng kiện một đơn vị in lậu, lên tiếng mạnh mẽ và thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ những đứa con tinh thần của mình.

NXB Kim Đồng - đơn vị chuyên xuất bản sách cho thiếu nhi - cũng bị làm lậu nhiều tác phẩm. Sau khi viết thư kêu cứu về tình trạng sách giả, sách lậu lộng hành, bà Nguyễn Lê Việt Hà - Phó phòng Kinh doanh, NXB Kim Đồng - chia sẻ thêm: “Chưa bao giờ trên môi trường mạng xã hội, việc phát tán sách giả, sách lậu lại ngang nhiên như hiện nay”.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19, nhu cầu mua sách online tăng lên, sách giả, sách lậu trên mạng "nảy nở như nấm sau mưa".

Để đối phó trình trạng sách giả trên mạng, NXB Kim Đồng có một đội phản ứng nhanh, thu thập thông tin từ độc giả và hệ thống cộng tác viên. Từ đó, họ có thống kê và nhận diện, bước đầu lập danh mục sách bị làm giả, cách thức của các đối tượng làm giả, lừa đảo khách hàng, danh mục các tài khoản Facebook bán sách Kim Đồng giả…

“Chúng tôi đã có văn bản gửi tới cơ quan chức năng, đề nghị xử lý. Chúng tôi cũng đưa ra những cảnh báo, cách nhận biết sách thật - giả để tránh bị các chiêu trò chiết khấu cao lừa đảo. Chúng tôi đưa ra thông điệp ‘Facebook no Fakebook’ và tin chắc độc giả sẽ ủng hộ sách thật, ủng hộ người làm sách chân chính”, bà Nguyễn Lê Việt Hà nói.

Sach lau tran lan tren mang anh 3

Sách lậu do công ty First News mua từ một chợ thương mại điện tử. Ảnh: First News.

Tương tự Kim Đồng, các nhà xuất bản, công ty sách đều có những biện pháp như cảnh báo độc giả, đưa ra cách phân biệt sách thật, giả. First News cùng Alpha Books cùng lập danh sách fanpage bán sách giả, sách lậu trên Facebook, công bố rộng rãi để độc giả tránh.

Mới đây, First News làm việc với sàn thương mại điện tử Tiki. Bước đầu, hai bên thể hiện quyết tâm, không để lọt các gian hàng bán sách giả, sách lậu trên chợ thương mại điện tử.

Đây được xem là hành động phối hợp giữa các đơn vị làm sách chân chính. Sự phối hợp này cần được nhân rộng, hợp tác trên nhiều khía cạnh khác để chung tay đẩy lùi sách giả, sách lậu.

Đã đến lúc, giới làm sách cùng cất tiếng nói trước vấn nạn nhức nhối này. Như lời bà Nguyễn Lê Việt Hà, “NXB Kim Đồng tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý, báo chí truyền thông, nhà xuất bản, cùng lên tiếng, chung tay đẩy lùi nạn sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng, để độc giả Việt Nam có thể được cầm trên tay và đọc những cuốn sách thật”.

Đừng tiếp tay cho sách lậu hoành hành trên mạng

Trong cuộc chiến chống sách giả, một số bạn đọc - nạn nhân của sách vi phạm bản quyền - đôi khi chưa được trang bị kiến thức, đã vô tình tiếp tay cho vấn nạn này.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm