Thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar. Ảnh: New York Times. |
Xuất hiện trong một video, Al-Hayya khẳng định cái chết của Sinwar sẽ chỉ khiến Hamas trở nên mạnh mẽ hơn và “thế lực chiếm đóng” - chỉ Israel - sẽ sớm phải hối tiếc vì sát hại thủ lĩnh Hamas.
Ông Al-Hayya còn tuyên bố nhóm này sẽ không thả 101 con tin vẫn nằm trong tay Hamas ở Gaza chừng nào Israel không rút quân khỏi vùng lãnh thổ này
Cái chết của ông Sinwar sẽ là đòn giáng mạnh đối với Hamas. Theo Reuters, nhân vật này sẽ được nhớ đến là con người tàn nhẫn trong mắt những người Palestine hợp tác với Israel, và còn là kẻ thù không đội trời chung của đất nước từng bỏ tù ông nhiều năm.
Theo New York Times, Israel đã truy lùng gắt gao Sinwar trong một năm qua. Nhưng có vẻ họ đã có thể tình cờ hạ gục mục tiêu trong vụ đấu súng xảy ra hôm 16/10, khi biệt đội Israel chạm trán nhóm chiến binh Hamas trong lúc đi tuần tra ở miền nam Gaza. Israel sau đó công bố video được cho là ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng của Sinwar.
Sinwar được bổ nhiệm làm thủ lĩnh tối cao của Hamas vào ngày 6/8, kế nhiệm cựu thủ lĩnh Ismail Haniyeh, người bị ám sát tại Tehran vào ngày 31/7.
Ông được cho là kiến trúc sư đằng sau vụ tấn công ngày 7/10/2023, sự kiện đẫm máu nhất đối với Israel trong nhiều thập kỷ. Nhưng bất chấp hoạt động truy sát của Israel kể từ khi xung đột bùng nổ, Sinwar vẫn bám trụ Gaza.
Sinh ra tại trại tị nạn ở thành phố Khan Younis, phía nam Dải Gaza, Sinwar, 62 tuổi, được bầu làm thủ lĩnh của Hamas tại Gaza vào năm 2017.
Hamas đang phải đối mặt với các cuộc không kích liên tục kể từ khi tấn công Israel vào ngày 7/10/2023, khiến 1.200 người thiệt mạng, theo số liệu thống kê của Israel.
Thành viên của lực lượng này cũng bắt cóc khoảng 250 người về Gaza, tạo ra cuộc khủng hoảng con tin cho chính phủ cực hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Cùng ngày 18/10, nhóm chiến binh Hezbollah tại Lebanon tuyên bố mở giai đoạn chiến đấu mới chống lại Israel, một ngày sau khi Israel tuyên bố tiêu diệt Sinwar. Đồng thời, quân đội Israel cho biết đang huy động thêm một lữ đoàn dự bị để chuẩn bị tác chiến ở miền bắc Israel chống lại Hezbollah.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...