"Vào ngày 5/2 (theo giờ địa phương), tàu USS John S. McCain (DDG 56) đã thực thi các quyền hàng hải và tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hoạt động tự do hàng hải (FONOP) nhằm gìn giữ các quyền, quyền tự do và sử dụng hợp pháp vùng biển được thừa nhận bởi luật pháp quốc tế", thông cáo của Hạm đội 7 cho biết.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Hải quân Mỹ thông báo hoạt động của tàu USS John S. McCain cũng thách thức những tuyên bố mà phía Trung Quốc đơn phương áp đặt về đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa từ năm 1996.
Thủy thủ tàu USS John S. McCain theo dõi một tàu nước khác khi tàu tuần tra tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 5/2. Ảnh: Reuters. |
Song song với cuộc tuần tra của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain, một nhóm tàu hải quân Mỹ cũng được giới quan sát phát hiện di chuyển vào Biển Đông qua eo biển Malacca vào sáng 5/2.
Nhóm tàu bao gồm tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Princeton và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Sterett.
USS Nimitz là soái hạm của Nhóm tác chiến tàu sân bay số 11 (CSG 11) của hải quân Mỹ.
USS Nimitz vừa nhận lệnh từ Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trở về cảng nhà ở bang Washington sau gần 10 tháng hoạt động viễn dương, hải trình đi qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Phần lớn thời gian hoạt động của tàu nằm trong phạm vi chỉ huy của Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), chịu trách nhiệm cho các hoạt động của quân đội Mỹ ở Trung Đông.
Một đội tàu khác của hải quân Mỹ cũng hoạt động ở khu vực Biển Đông vào thời gian qua, dẫn đầu bởi tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt. Ngày 23/1, tàu di chuyển vào Biển Đông qua biển Philippines, trùng thời điểm Trung Quốc tổ chức diễn tập không quân trong khu vực phía nam Đài Loan.