Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hạm đội 3 Hải quân Mỹ dịch chuyển về tây Thái Bình Dương?

Gần đây Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, liên tiếp đề xuất, Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ nên mở rộng địa bàn hoạt động để có thể phối hợp với Hạm đội 7.

Hạm đội 3 Hải quân Mỹ trong tập trận RIMPAC. Ảnh: FPRI
Hạm đội 3 Hải quân Mỹ trong tập trận RIMPAC. Ảnh: FPRI

Việc này nhằm đối phó tình hình tại tây Thái Bình Dương mà theo Đô đốc Scott Swift là đang “có sự bất ổn lớn nhất”.

Hai hạm đội này cùng hoạt động trên Thái Bình Dương, chia nhau vùng trách nhiệm dọc hai bên đường đổi ngày quốc tế (IDL, International Date Line).

Theo đề xuất của đô đốc Swift, tới đây phạm vi hoạt động của Hạm đội 3 sẽ choàng qua phạm vi hoạt động của Hạm đội 7 để Hạm đội 7 tập trung cho các khu vực biển Nhật Bản, biển Hoa Đông và Biển Đông - Hạm đội 3, vốn tổng hành dinh đóng ở San Diego, sẽ chờ sẵn ở Hawaii để can thiệp hỗ trợ Hạm đội 7, nếu cần.

Hạm đội 7 bên trái quả cầu, Hạm đội 3 bên phải. Ảnh: Staff.science

Đề xuất của Đô đốc Swift được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng nóng lên ở Biển Đông, sau khi Bắc Kinh bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp 7 đảo nhân tạo, 3 đường băng quân sự trên các “đảo” mới “mọc lên” này.

Đề xuất của Đô đốc Swift được đưa ra chỉ một tháng sau cuộc điều trần tại ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ vào hạ tuần tháng 8 năm nay, trong đó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear loan báo sẽ nâng lực lượng hải quân nước này tại châu Á - Thái Bình Dương lên 70%.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, phương cách duy nhất là mở rộng phạm vi trách nhiệm của Hạm đội 3 về phía tây Thái Bình Dương, như đề xuất của Đô đốc Swift.

Đây là một yêu cầu đặt ra từ thực tế, căn cứ theo kết quả một nghiên cứu của tập đoàn nghiên cứu chiến lược Rand Corporation, theo đó “mặc dù Mỹ đã có một số cải tiến binh bị, Trung Quốc đã đạt được một số lợi thế có mức tăng tương đối trong hầu hết các khu vực hành quân hoạt động, và trong một số trường hợp với tốc độ gây ngạc nhiên”. Có thể kể ra một trong những diễn biến “với tốc độ gây ngạc nhiên đó” là việc Trung Quốc bồi đắp các bãi đá ở Trường Sa chỉ trong hơn một năm qua.

Nghiên cứu này của Rand Corporation đặc biệt lưu ý: “Khoảng cách và địa dư tác động lớn đối với khả năng của cả hai phía trong việc thực hiện các mục tiêu của mình. Và nhìn chung, các yếu tố khoảng cách và địa dư này bất lợi cho Mỹ đồng thời làm đảo nghịch sức mạnh quân sự của Mỹ, đặc biệt trong các kịch bản (tác chiến) xung quanh khu vực cận kề Trung Quốc”.

Trong thực tế, nếu chiến sự bùng nổ một cách không tránh khỏi, Hải quân Trung Quốc sẽ ở vị trí gần hơn Hải quân Mỹ, và đây chính là ưu thế tự nhiên của Trung Quốc, đặc biệt là ưu thế “quân số” cùng lợi thế tiếp tế, nhất là nay đã có các căn cứ tiền tiêu là các bãi đá mới bồi đắp.

Đây chính là lý do Hạm đội 3 sẽ dịch chuyển sang tây Thái Bình Dương để cùng Hạm đội 7 hoạt động, nếu cần, theo như đề xuất của Đô đốc Swift.

Từ hôm nay Zing.vn mở mục mới Giải mã thời sự để giải đáp những thắc mắc phía sau các sự kiện đang diễn ra trên thế giới bằng kiến thức cơ bản, dễ hiểu. Mục này do Nhà báo Danh Đức phụ trách.

Hạm đội Mỹ muốn mở rộng hoạt động ở Thái Bình Dương

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ muốn Hạm đội 3 mở rộng hoạt động ở Tây Thái Bình Dương bằng cách phối hợp chặt chẽ với Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản.

Danh Đức

Bạn có thể quan tâm