Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hải quân Mỹ thực sự quá nhỏ bé?

Với 273 tàu chiến đang hoạt động, quy mô của Hải quân Mỹ đang ở mức nhỏ nhất kể từ Thế chiến I khiến nhiều người lo lắng cho tương lai trên các đại dương của nước này.

USS Little Rock, tàu chiến mới nhất của Hải quân Mỹ, trong lễ hạ thủy tại xưởng đóng tàu hải quân hôm 18/7. Ảnh: CNN

Nhiều thập kỷ qua, Hải quân Mỹ luôn giữ vị trí đứng đầu và hiện đại nhất trên thế giới. Đội tàu sân bay đình đám của Lầu Năm Góc hiện diện trên các địa điểm chiến lược để bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ và đồng minh và đảm bảo sự thuận lợi cho thương mại tự do. Tuy nhiên, lực lượng hải quân nước này đang giảm số lượng tàu chiến do ngân sách eo hẹp. Trước thực trạng trên, CNN đặt câu hỏi "Hải quân Mỹ thực sự quá nhỏ bé?".

Các đối thủ của cường quốc quân sự hàng đầu thế giới đang ngày càng chú trọng phát triển hải quân. Trước sự hùng mạnh của Hải quân Nga hay quy mô lớn mạnh không ngừng của hạm đội tàu chiến Trung Quốc, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa cảnh báo kỷ nguyên thống trị các đại dương của Hải quân Mỹ có thể sẽ kết thúc nếu không bổ sung thêm các chiến hạm vào biên chế.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida cảnh báo: "Quy mô lực lượng hải quân của chúng ta đang ở mức nhỏ nhất kể từ thời điểm bắt đầu Thế chiến I". Hải quân Mỹ hiện có 273 tàu chiến, chỉ lớn hơn một chút so với 245 tàu trong năm 1916.

Nhiều quan chức cho rằng việc so sánh số tàu chiến hiện nay với số tàu năm 1917 là không thỏa đáng. Hải quân Mỹ đang sở hữu 10 tàu sân bay tối tân, lớn hơn tổng số hàng không mẫu hạm của hải quân các nước trên thế giới cộng lại. Nước này cũng sở hữu 90 tàu mặt nước và 72 tàu ngầm.

Các tàu chiến của Mỹ hiện nay uy lực hơn rất nhiều so với chiến hạm trong quá khứ. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ không phải lực lượng duy nhất đạt được các thành tựu công nghệ. Hải quân của các quốc gia khác cũng được đầu tư, nâng cấp nhằm tăng cường khả năng chiến đấu.

Ngày nay, Lầu Năm Góc sử dụng chiến lược mà họ gọi là "hiện diện phía trước". Theo đó, các hạm đội sẽ triển khai ở vùng biển quốc tế nằm cách xa bờ biển nước Mỹ. Kết hợp với mạng lưới quốc gia đồng minh, Lầu Năm Góc có thể nhanh chóng điều động tài sản, khí tài khi cần thiết.

Chiến lược này giúp Mỹ tối ưu hóa lợi thế công nghệ và luôn sẵn sàng hiện diện ở các vị trí trọng yếu. Căn cứ ở Guam, Nhật Bản và Tây Ban Nha là những ví dụ điển hình. Tuy nhiên, các quan chức hải quân nói rằng họ cần thêm tàu để phát huy tối đa hiệu quả của chiến lược này.

Hải quân Mỹ là lực lượng duy nhất trên thế giới sở hữu siêu tàu sân bay năng lượng hạt nhân lớp Nimitz với lượng giãn nước lên đến 100.000 tấn. Ảnh: Strategypage.

Việc cắt giảm số tàu khiến Hải quân Mỹ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Một số chức năng và nhiệm vụ của các hạm đội cũng bị ảnh hưởng. Độ bao quát của Hải quân Mỹ trên các vùng biển bị suy giảm. Trong khoảng 2 tháng mùa thu năm nay, Mỹ sẽ rút tàu sân bay khỏi vịnh Ba Tư, huyết mạch vận tải dầu mỏ thế giới.

"Giảm thiểu số chiến hạm sẽ tác động tiêu cực tới lợi thế chiến đấu của chúng tôi", một quan chức Hải quân Mỹ nhận định.

Lầu Năm Góc đang theo đuổi kế hoạch đưa 60% số tàu chiến và máy bay tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2020. Hải quân Mỹ cần thêm khoảng 30 tàu chiến, bao gồm 1 tàu sân bay và nhiều tàu đổ bộ, để duy trì sự hiện diện nhất quán trên các khu vực khác khắp thế giới. Việc bổ sung tàu chiến giúp Hải quân Mỹ luôn sẵn sàng ở những khu vực xung đột tiềm năng.

Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ cần "tái thiết" và "phục hồi năng lực" của Hải quân bằng cách tăng số lượng tàu lên 350 chiếc, dự án có thể ngốn hàng trăm tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc phòng và các nhà lập pháp không đồng tình với nhận định này. Họ cho rằng Hải quân Mỹ không cần thêm tàu chiến để đối phó với các mối đe dọa mới nổi trên thế giới cũng như duy trì sự hiện diện quy mô toàn cầu.

Sức mạnh siêu chiến hạm tương lai của Mỹ USS Zumwalt là tàu khu trục tàng hình đầu tiên của Hải quân Mỹ, dự kiến bắt đầu hoạt động trong năm nay. Nó sở hữu loạt công nghệ tối tân như pháo laser và súng điện từ.

Những tàu sân bay uy lực nhất của Hải quân Mỹ

Hải quân Mỹ đã và đang giữ vị trí số 1 thế giới nhờ lực lượng hùng hậu, trong đó có đội ngũ tàu sân bay tối tân và đông đảo nhất thế giới.

Dàn vũ khí không đối thủ của Mỹ

Tàu sân bay Nimitz, máy bay ném bom tàng hình B-2, tên lửa đánh chặn SM-3 là những vũ khí của Mỹ thuộc nhóm "không có đối thủ" cùng loại.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm