Sáng 11/1, tại buổi mừng thọ các hội viên cao tuổi của Câu lạc bộ Thái Phiên, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết lãnh đạo thành phố đã bàn thảo rất nhiều lần mới đi đến quyết định xây hầm chui sông Hàn.
Ông nói vừa qua dư luận rất quan tâm đến dự án này. Tuy nhiên, việc xây hầm là cần thiết bởi TP Đà Nẵng đang có sự tăng nhanh về dân số. Trong khi đó, những tuyến đường lớn trong nội thành đã có dấu hiệu kẹt xe. Dự kiến khoảng mười năm nữa, Đà Nẵng sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại.
Vị trí dự kiến xây hầm chui sông Hàn. Đồ họa: BRITEC.
|
Để không bị ách tắc giao thông trong tương lai, thành phố bàn luận nhiều lần và đi đến quyết định xây dựng một công trình qua sông. Về tính pháp lý, người đứng đầu TP Đà Nẵng khẳng định dự án này phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông cũng cam kết việc xây hầm sẽ không phá vỡ cảnh quan vốn có của dòng sông.
Theo vị lãnh đạo này, dự kiến năm 2018 công trình sẽ được khởi công. “Sớm nhất cũng phải năm 2018 mới khởi công được công trình này. Nếu làm nhanh cũng mất 6-7 năm mới xong. Khi đó, sự việc đã khác rồi, dân số tăng lên, giao thông ách tắc hơn. Tôi nghĩ cái gì cũng phải nhìn xa kẻo đến khi đó cứ ra đường là gặp nạn kẹt xe nghiêm trọng”, ông Xuân Anh nói.
Cuối năm 2016, Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã chốt phương án làm hầm qua sông Hàn. Dự án có tổng vốn 4.700 tỷ đồng lấy từ ngân sách thành phố. Hầm chui sẽ nối thẳng từ nút giao Đống Đa - Như Nguyệt (quận Hải Châu) qua nút Vân Đồn (quận Sơn Trà) và dự kiến khởi công năm 2018. Để triển khai dự án, Đà Nẵng dự kiến giải tỏa 210 hộ dân thuộc diện ảnh hưởng 2 đầu hầm chui.
Sau khi thông tin dự án được công bố, một số chuyên gia, cựu lãnh đạo đã phản đối chủ trương xây hầm qua sông Hàn. Họ cho rằng Đà Nẵng đang có nhiều việc bức xúc hơn là đầu tư 4.700 tỷ để xây hầm vào lúc này.