Ngày 28/12, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng, cho biết Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã chốt phương án làm hầm qua sông Hàn từ năm 2018.
Dự án có tổng vốn 4.700 tỷ đồng lấy từ ngân sách thành phố. Hầm chui sẽ nối thẳng từ nút giao Đống Đa - Như Nguyệt (quận Hải Châu) qua nút Vân Đồn (quận Sơn Trà) và dự kiến khởi công năm 2018.
Ông Trung cho hay Thành ủy Đà Nẵng phân vân giữa phương án làm hầm cong hay thẳng qua sông Hàn. Tuy nhiên sau khi tham khảo nhiều ý kiến, lãnh đạo thành phố quyết định chọn làm hầm thẳng. Trong phương án này, Đà Nẵng dự kiến giải tỏa 210 hộ dân thuộc diện ảnh hưởng 2 đầu hầm chui.
Mô phỏng hầm chui qua sông hàn. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Nhiều ngày qua, một số chuyên gia, cựu lãnh đạo đã phản đối chủ trương xây hầm qua sông Hàn. Ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói rằng những năm qua Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu trong quy hoạch.
Ông Minh cho rằng sự phát triển nóng cũng bộc lộ những hạn chế. Đà Nẵng vẫn còn nhiều việc bức xúc phải làm như bãi đậu xe, khu xử lý rác thải, nước thải ô nhiễm ở sông Phú Lộc, trật tự trị an, an sinh xã hội... Trong khi đó, kinh phí dự án hầm chui lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền này để giải quyết nhiều việc khác, còn bức xúc.
Tại cuộc họp báo ngày 21/12, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, giải thích việc xây dựng công trình vượt sông Hàn rất bức xúc. Dân số Đà Nẵng đang tăng dần và 5 đến 10 năm sẽ ở mức 3 triệu người.
Cùng với việc tăng dân số, các phương tiện cá nhân ở Đà Nẵng tăng nhanh. "Trung bình mỗi năm, phương tiện cá nhân tăng 10 đến 12%. Do đó, nguy cơ ách tắc như Hà Nội, TP.HCM là hiện hữu ở thành phố", ông Xuân Anh nói.
Bí thư Xuân Anh khẳng định lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp của các chuyên gia chứ không hề vội vàng như một số người quy kết.
"Đà Nẵng quyết định xây hầm chui vượt sông Hàn không vội vã. Đây là công trình vĩnh cửu để cho con cháu mai sau", ông Nguyễn Xuân Anh nói.