Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hai tướng Sudan quyết đấu, đẩy khu vực tới bờ thảm họa nhân đạo

Giao tranh tại Sudan đẩy người dân nước này sang các quốc gia láng giềng, làm dấy lên nỗi lo về cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực vốn đang vật lộn với xung đột và đói nghèo.

giao tranh o sudan anh 1

Tướng Abdel Fattah al-Burhan (phải) và tướng Mohamed Hamdan Dagalo (trái) - lãnh đạo hai phe phái đang đối đầu tại Sudan. Ảnh: BBC.

Tiếng súng, pháo kích và không kích dữ dội làm rung chuyển Sudan suốt nhiều ngày, khiến các nước phải sơ tán nhân viên và công dân vào cuối tuần qua. Người dân Sudan cũng đang vượt biên, chạy sang Chad, Ai Cập hay Nam Sudan.

Dòng di cư khổng lồ từ Sudan có nguy cơ làm quá tải các nước láng giềng.

Bao quanh Sudan - đất nước có 45 triệu dân và diện tích lớn thứ 3 châu Phi - là 7 quốc gia khác cũng đang chìm trong nghèo đói và bất ổn. Chỉ trong vài năm qua, khu vực này đã chứng kiến nội chiến ở Ethiopia; nạn đói, lũ lụt, xung đột sắc tộc ở Nam Sudan; và đảo chính ở Chad.

“Tác động nhân đạo của cuộc khủng hoảng này gần như sẽ không thể tưởng tượng được. Kịch bản xấu nhất đang hiển hiện ngay trước mắt chúng ta”, Faith Kasina - phát ngôn viên khu vực của cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc - cho biết.

"Phòng ngủ thành bãi chiến trường"

Theo cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc, Sudan tiếp nhận khoảng 1,1 triệu người tị nạn và xin tị nạn. Hầu hết đến từ Nam Sudan, ngoài ra còn có các quốc gia chứng kiến xung đột khác như Eritrea, Ethiopia và Syria.

Nhiều người trong số này mới chỉ bắt đầu cuộc sống mới khi mở các doanh nghiệp nhỏ ở Sudan. Mọi hy vọng có được cuộc sống ổn định giờ lại trở nên bấp bênh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 400 người đã thiệt mạng và 3.700 người khác bị thương do các cuộc giao tranh. Đụng độ khiến vô số người dân rơi vào cảnh không có thức ăn, nước uống hoặc điện. Nhiều bệnh viện ở Khartoum đã đóng cửa. Nhà kho và văn phòng một số tổ chức nhân đạo bị cướp phá.

Khi giao tranh nổ ra ở Khartoum, bạo lực cũng bùng lên ở vùng Darfur phía Tây Sudan. 20.000 người - chủ yếu là phụ nữ và trẻ em - đã chạy trốn sang nước láng giềng Chad. Chad đang là nơi sinh sống của hơn 400.000 người tị nạn Sudan.

Eujin Byun - phát ngôn viên cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc - cho biết nhiều người đến miền Đông của Chad đã đi bộ cả ngày trời, chỉ mang theo ít quần áo và một đôi giày.

Bà cho hay một số người đã cùng họ hàng đến các trại tị nạn vốn đang gặp áp lực nguồn cung. Tuy nhiên, nhiều người chọn ngủ ở khu vực trống gần biên giới và chờ đợi khi nào an toàn sẽ quay trở về.

Tại biên giới đất liền phía bắc của Sudan, hôm 24/4, hàng chục xe buýt băng qua Ai Cập, chở những người chạy trốn khỏi giao tranh. Hàng trăm gia đình cũng di dời tới các thành phố và thị trấn nhỏ ở phía đông và phía nam Sudan.

giao tranh o sudan anh 2

Những người Sudan đang sống trong cảnh thiếu thực phẩm, nước uống và nhiên liệu. Ảnh: Reuters.

Một số người cân nhắc vượt biên sang Ethiopia, nơi vẫn đang phục hồi sau 2 năm nội chiến ở khu vực Tigray.

Abdirahman Isak Shangah - sinh viên sau đại học tại Đại học Quốc tế Châu Phi ở Khartoum - đã đi xe buýt nửa ngày đến thị trấn Qadarif của Sudan và hướng đến Ethiopia. Các thành viên RSF đã xông vào ký túc xá của Shangah hôm 21/4, lấy thức ăn và lệnh cho sinh viên ra khỏi phòng.

“Phòng ngủ chúng tôi biến thành chiến trường. Ethiopia có những thách thức riêng, nhưng nơi này bây giờ an toàn hơn mọi khu vực ở Khartoum”, người đàn ông 26 tuổi đến từ Somalia nói.

Ở biên giới phía nam Sudan, gần 3.000 người đã tới thị trấn Renk ở Nam Sudan vào ngày 24/4, theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM). Hầu hết là người Nam Sudan trở về nhà, rời khỏi Khartoum bằng ôtô và xe tải, mang theo bất cứ thứ gì có thể trên hành trình dài 450 km về phía nam.

“Những người rời đi trước là người có phương tiện di chuyển. Chúng tôi đang chuẩn bị đón những cá nhân dễ bị tổn thương đến trong những ngày và tuần tới”, Peter Van der Auweraert - đại diện IOM tại Nam Sudan - cho biết.

Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất thế giới, đang phải vật lộn với những vấn đề của chính nước này, bắt nguồn từ cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm tàn phá nền kinh tế, cướp đi sinh mạng hơn 400.000 người. Khoảng 3/4 dân số, tương đương hơn 9 triệu người, đang cần viện trợ nhân đạo.

Ngoài ra, Nam Sudan, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đang chuẩn bị cho “cú sốc kinh tế thảm khốc”. Trong khi hầu hết người Nam Sudan sống ở Sudan là người tị nạn, phần còn lại là người di cư hỗ trợ gia đình ở quê nhà. Cuộc chiến có thể làm gián đoạn dòng tiền và hạn chế thương mại xuyên biên giới.

Nguồn cung tại khu vực phía bắc Nam Sudan - nơi nhập hàng hóa từ Sudan - gần đây bị hạn chế do giao tranh làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ông Van der Auweraert từ IOM nói. Đồng tiền Nam Sudan cũng bắt đầu mất giá.

“Chúng tôi không muốn lấy thêm những gì thuộc về người Nam Sudan vốn đã khó khăn. Chúng tôi sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn”, ông Van der Auweraert nói.

Người ở lại trong thấp thỏm

Trong khi đó, các quốc gia bắt đầu sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Sudan vào cuối tuần qua bằng máy bay, đường bộ hoặc thông qua cảng trên biển Đỏ.

Tức giận và cảm thấy bị bỏ rơi, một số người Sudan hôm 23/4 đã đả kích các nhà đàm phán phương Tây, khi quá trình thương lượng sụp đổ, dẫn tới điểm nóng cho 2 vị tướng tranh giành quyền lực.

Chiến dịch sơ tán tiếp tục vào hôm 24/4, khi Liên minh châu Âu sơ tán 21 nhân viên ngoại giao và hơn 1.000 công dân. Djibouti, Kenya, Nigeria, Brazil và Nam Phi cũng công bố kế hoạch riêng.

Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 24/4 cho biết hàng chục công dân Mỹ bày tỏ mong muốn rời khỏi Sudan. Bộ Ngoại giao Mỹ đang hướng dẫn những công dân này, nhưng chưa có kế hoạch cung cấp phương tiện di chuyển bởi quá nguy hiểm. Ước tính 16.000 người Mỹ ở Sudan, nhiều trong số này mang hai quốc tịch.

giao tranh o sudan anh 3

Nhiều nước gấp rút sơ tán công dân khỏi Sudan giữa lúc bạo lực leo thang. Ảnh: Reuters.

Khi một số tìm cách rời khỏi những khu vực nguy hiểm nhất Sudan, nhiều người vẫn bị mắc kẹt ở Khartoum - nơi xung đột gay gắt nhất.

Javid Abdelmoneim - sống ở Malawi - nói cha mình, một công dân Anh 80 tuổi sống ở Khartoum, đã từ chối rời thành phố cùng người thân bởi ông được Đại sứ quán Anh hứa hỗ trợ sơ tán.

Tuy nhiên hôm 23/4, chính phủ Anh chỉ sơ tán nhân viên ngoại giao. Nước này hôm 24/4 khẳng định đang sử dụng “tất cả con đường ngoại giao” để đưa công dân Anh di dời.

Abdelmoneim cho biết hiện ông tìm cách liên lạc với 2 người chú để đưa cha rời Khartoum, nhưng mạng điện thoại và Internet rất chập chờn.

“Hy vọng duy nhất của tôi là bằng cách nào đó, chúng tôi sẽ tiếp cận được người thân và nhờ họ đưa cha tôi đi cùng”, ông Abdelmoneim nói trong nước mắt.

Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Các nước đồng loạt sơ tán công dân tại Sudan

Giao tranh ở Sudan ngày càng khốc liệt khiến nhiều nước gấp rút sơ tán hàng nghìn công dân, nhân viên ngoại giao và cứu trợ, đang bị mắc kẹt ở quốc gia phía đông bắc châu Phi.

Phía sau hai vị tướng quyết đấu tàn khốc ở Sudan

Khi hai vị tướng hàng đầu Sudan quyết đấu "một mất một còn", các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới cũng nhanh chóng có những động thái khác nhau.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm