Tên lửa Harpoon phóng từ chiến hạm Mỹ. Ảnh: US Navy |
Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hải quân Mỹ tận hưởng vị thế vô song trên biển mà không có đối thủ. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã gia tăng sức mạnh của lực lượng hải quân. Bắc Kinh chi hàng chục tỷ USD mỗi năm vào việc chế tạo chiến hạm với mọi kích cỡ và sở hữu một kho tên lửa, FP đưa tin.
Mối đe dọa to lớn từ Trung Quốc
Hiện tại Hải quân Mỹ vẫn sở hữu công nghệ hiện đại nhất thế giới. Họ góp mặt ở hầu hết các vùng biển với 272 tàu chiến và tàu ngầm cùng 150 chiếc trong các hạm đội dự bị. Hải quân Trung Quốc còn kém xa Mỹ nhưng tới năm 2020, họ sẽ trở thành lực lượng lớn thứ 2 trên thế giới.
Với 1/3 ngân sách quốc phòng dành cho hải quân, Bắc Kinh đang đổ tiền vào các lớp tàu khu trục, tàu tuần dương và tàu ngầm thế hệ mới. Bắc Kinh cũng đã sở hữu tàu sân bay đầu tiên thông qua việc cải tiến một hàng không mẫu hạm của Ukraine.
Phạm vi chống hạm và phòng không của tên lửa Trung Quốc cũng ấn tượng, đủ khiến Mỹ không thể đưa ra giả định có thể ngang nhiên đi lại ở Thái Bình Dương trong trường hợp xung đột nổ ra. Tên lửa Trung Quốc có phạm vi chống hạm từ 100 đến 900 hải lý, cho phép nó tấn công các mục tiêu Mỹ nằm ở xa khu vực xung đột.
Lầu Năm Góc đặc biệt lo ngại trước tên lửa đạn đạo Đông Phong DF-21D, được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”. Bắc Kinh đã công khai loại vũ khí này trong cuộc diễu binh kỷ niệm chiến thắng Phát xít Nhật hồi tháng 9. Ngoài ra, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai tên lửa hành trình siêu thanh YJ-18 để trang bị nó cho các tàu ngầm. Cả hai vũ khí này đều nhằm hạ gục niềm kiêu hãnh lớn nhất của Hải quân Mỹ - các hàng không mẫu hạm.
Tên lửa chống hạm Harpoon khai hỏa từ tàu chiến Mỹ. Ảnh: US Navy |
Mặc dù cuộc xung đột trên biển với Trung Quốc rất khó xảy ra, các quan chức Lầu Năm Góc và giới phân tích tin rằng, Hải quân Mỹ đang đánh mất lợi thế trước Trung Quốc, sự việc gây nhiều tác động tâm lý tới các quốc gia đồng minh và đối tác.
Hải quân Mỹ chuyển mình mạnh mẽ
Những mối đe dọa đang ngày càng rõ rệt từ Trung Quốc khiến các chỉ huy Hải quân Mỹ phải đánh giá lại chiến lược trên biển. Một trong những yêu cầu cấp thiết nhất là chế tạo tên lửa chống hạm mới cho tàu chiến của Mỹ.
Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch nâng cấp các tên lửa hiện có để giúp chúng có khả năng chống hạm. Nỗ lực mới bắt đầu với tên lửa hành trình Tomahawk, loại vũ khí được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên đất liền.
Các sĩ quan của Hải quân Mỹ cũng nhận ra rằng Mỹ không thể tiếp tục giả định họ có thể tránh được thương vong đáng kể trong cuộc xung đột trên biển với Trung Quốc. Các sách lược cũ được thay thế bằng kịch bản quân đội Mỹ di chuyển nhanh chóng và im lặng hơn nhằm chống lại kẻ thù mà không nhất thiết phải giành thắng lợi tuyệt đối.
Kể từ thời điểm Mỹ đánh đắm một chiến hạm Iran ở Vịnh Ba Tư năm 1988 đến nay, tên lửa chống hạm của Mỹ chưa thay đổi. Các chiến hạm vẫn được trang bị loại tên lửa già nua Harpoon, được đưa vào sử dụng lần đầu năm 1977. Trong khi đó, hạm đội của Mỹ chỉ chú trọng vào tên lửa phòng thủ, máy bay không người lái, chiến đấu cơ thế hệ mới, các hệ thống dò ngầm....
Các sĩ quan Mỹ tin rằng, Trung Quốc có thể bắn hạ tàu chiến Mỹ bằng loại tên lửa chống hạm thông minh hơn Harpoon trong các cuộc xung đột. Chính vì thế, Mỹ cần một tên lửa chống hạm tinh vi hơn để giúp Lầu Năm Góc đối trọng lại khả năng của Trung Quốc.
Mỹ đang nỗ lực trang bị cho chiến hạm và tàu ngầm loại tên lửa chống hạm tầm xa hiệu quả hơn cũng như khả năng đánh lạc hướng tên lửa đối phương bằng vũ khí công nghệ cao. Tháng 1 vừa qua, Mỹ thử nghiệm thành công một phiên bản chống hạm của tên lửa Tomahawk. Nó bắn trúng một mục tiêu di động trên biển. Trung tá Robert Myers, người phát ngôn Hải quân Mỹ, cho biết, loại vũ khí mới sẽ được triển khai cho các hạm đội “trong một vài năm tới”.
Ngoài Tomahawk, Hải quân Mỹ cũng đang nâng cấp loại vũ khí mới với khả năng chống hạm tầm xa. Nó được sửa đổi từ phiên bản không đối hạm. Lầu Năm Góc cũng để ngỏ khả năng mua tên lửa từ các quốc gia khác nhằm tăng uy lực của hải quân.
Đối với chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ nhận thấy họ cần trang bị hỏa lực mạnh hơn cho các tàu mặt nước thay vì dựa vào tàu sân bay và tàu ngầm. Phó Đô đốc Thomas Rowden, Tư lệnh Lực lượng tàu nổi của Mỹ, đang kêu gọi nâng cao sức mạnh tấn công cho các chiến hạm, trong đó có việc vũ trang cho tàu hậu cần, vốn không được trang bị vũ khí.
Phát biểu trên tạp chí Aviation Week, Phó đô đốc Rowden nhận định: “Bằng cách triển khai các tàu chiến có khả năng bắn tên lửa chống hạm, kẻ địch sẽ lo lắng hơn nhiều so với việc chống lại nguy cơ tấn công từ tàu ngầm hoặc tàu sân bay của Hải quân Mỹ”.
Giới chức quốc phòng Mỹ cũng đang tập trung vào việc không quân có quyền sử dụng tất cả các căn cứ nằm rải rác trên các đảo ở Thái Bình Dương. Đây là biện pháp nhằm hạn chế tổn hại khi nhiều căn cứ lớn của Mỹ nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa Trung Quốc. Mỹ cũng cân nhắc xây dựng thêm các căn cứ mới trên đảo của Thái Bình Dương, vốn từng giữ vai trò quan trọng trong Thế chiến II.