Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hải quân Mỹ muốn lập hạm đội mới, có thể đóng tại Singapore

Bộ trưởng Hải quân Kenneth Braithwaite nói một mình Hạm đội 7 là không đủ để đối phó với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, do đó Mỹ cần lập thêm một hạm đội mới.

Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, đóng tại Yokosuka, Nhật Bản, phụ trách khu vực trải dài từ Hawaii đến biên giới Ấn Độ - Pakistan, bao trùm lãnh thổ biển của 36 quốc gia và 50% dân số thế giới.

Đây là hạm đội lớn nhất trong số các hạm đội được triển khai ở tiền phương của Hải quân Mỹ. Vào bất kỳ thời điểm nào, hạm đội đều quản lý từ 50 đến 70 tàu (bao gồm tàu ngầm), 150 máy bay và khoảng 20.000 thủy thủ.

Song nếu Mỹ thực sự muốn hiện diện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, họ cần một "Hạm đội 1" mới ở Thái Bình Dương với đại bản doanh nằm gần Ấn Độ Dương hơn, có thể ở Singapore, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite cho biết hôm 17/11.

lanh dao hai quan my muon lap ham doi moi anh 1

Tàu tác chiến cận bờ USS Coronado của Mỹ đậu ở Changi, Singapore. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Không thể chỉ dựa vào Hạm đội 7

"Chúng tôi muốn thành lập một hạm đội mới. Và chúng tôi muốn đặt hạm đội đó ở ngã tư giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương", ông Braithwaite nói trong hội thảo trực tuyến của Liên đoàn Tàu ngầm Hải quân. "Và chúng ta sẽ hiện diện thực sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

"Chúng ta không thể chỉ dựa vào Hạm đội 7 ở Nhật Bản. Chúng ta phải tìm đến các đồng minh và đối tác khác như Singapore, như Ấn Độ, và thực sự đặt một hạm đội ở nơi nó cực kỳ phù hợp nếu chúng ta vướng vào bất cứ cuộc chiến nào", ông nói, theo USNI News, trang tin do Viện Hải quân Mỹ điều hành.

"Quan trọng hơn, việc này có thể mang lại khả năng răn đe đáng gờm hơn nhiều. Vì vậy, chúng tôi sẽ thành lập Hạm đội 1, và sẽ đặt nó, nếu không phải ở Singapore, chúng tôi sẽ tìm cách khiến hạm đội trở nên linh động hơn với sự di chuyển khắp Thái Bình Dương cho đến khi nó là nơi các đồng minh và đối tác thấy rằng nó có thể hỗ trợ họ cũng như hỗ trợ chúng ta tốt nhất".

Hạm đội 1 là đơn vị của Hải quân Mỹ tồn tại từ năm 1947 đến năm 1973, phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương như một phần của Hạm đội Thái Bình Dương. Nhiệm vụ của nó đã được tiếp quản bởi Hạm đội 3, đóng tại San Diego, California, vào năm 1973.

Mặc dù hạm đội mới theo đề xuất của ông Braithwaite sẽ có các mục tiêu khác với Hạm đội 1 ban đầu, ông thấy việc khôi phục tên cũ là phù hợp.

Các hạm đội được đánh số hiện có của Hải quân Mỹ là Hạm đội 3 phụ trách Đông Thái Bình Dương, Hạm đội 4 đảm nhiệm Trung và Nam Mỹ, Hạm đội 5 ở Trung Đông, Hạm đội 6 cho châu Âu, Hạm đội 7 bao trùm Tây Thái Bình Dương và Hạm đội 10 xử lý không gian mạng.

Ông Braithwaite cho biết ông chưa thảo luận về kế hoạch này với Christopher Miller, quyền Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng đã "nghiên cứu tính toán từng chân tơ kẻ tóc" của vấn đề.

lanh dao hai quan my muon lap ham doi moi anh 2

Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Barry tại Yokosuka, Nhật Bản. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

USNI News dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng ông Braithwaite đã đưa ra ý tưởng thành lập Hạm đội 1 cách đây vài tháng và đã đàm phán với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, người tán thành đề xuất này.

Ông Braithwaite, người trở thành bộ trưởng hải quân vào tháng 5 sau giai đoạn làm đại sứ tại Na Uy, cho biết ông đã tận mắt chứng kiến sự hung hăng của Trung Quốc trên toàn cầu và nói đây là lý do cần có hạm đội mới.

"Sự hiện diện của Trung Quốc ở Bắc Cực là chưa từng có. Gần đây nhất, tôi đã có một chuyến đi đến Viễn Đông: Mọi đồng minh và đối tác của chúng ta đều lo ngại về việc Trung Quốc đã hung hăng như thế nào", ông nói.

"Tôi sẽ nói với bất kỳ ai rằng nước Mỹ và chủ quyền của chúng ta chưa bao giờ phải chịu những áp lực như ngày nay kể từ Chiến tranh năm 1812".

Đề xuất được đưa ra giữa lúc Mỹ tăng cường can dự vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hôm 17/11, Mỹ đã cùng Ấn Độ, Nhật Bản và Australia bắt đầu giai đoạn hai của Malabar 2020, cuộc tập trận chung kéo dài 4 ngày ở phía bắc biển Arab. Hồi đầu tháng, bốn quốc gia, còn được gọi là "Bộ Tứ", đã tổ chức giai đoạn một của cuộc tập trận ở vịnh Bengal.

Nếu các cuộc thảo luận về một hạm đội mới được tiến hành, đó sẽ là một trong những chính sách quốc phòng lớn cuối cùng mà chính quyền Trump triển khai.

Michele Flournoy, cựu thứ trưởng quốc phòng phụ trách chính sách trong chính quyền Obama và nhiều khả năng trở thành bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền Joe Biden, nói quân đội Mỹ cần sử dụng các năng lực hiện có theo "những cách mới" để răn đe một Trung Quốc đang trỗi dậy.

lanh dao hai quan my muon lap ham doi moi anh 3

Lực lượng các nước "Bộ Tứ" tập trận ở biển Arab hôm 17/11. Ảnh: Hải quân Mỹ.

"Nếu chúng ta chỉ đơn giản thực hiện như hiện tại, trong thập kỷ tới... lợi thế công nghệ quân sự của chúng ta sẽ xói mòn", bà nói trong phỏng vấn với Defense News hồi đầu tháng.

"Sự tự tin của chúng ta vào khả năng ngăn chặn một Trung Quốc đang trỗi dậy, nước đang có những bước phát triển công nghệ đáng kể và cố gắng ngăn cản khả năng phát huy sức mạnh và bảo vệ lợi ích của chúng ta và các đồng minh trong khu vực, nếu chúng ta không làm gì khác đi, thì... khả năng răn đe sẽ xói mòn".

"Trước mắt, tôi cho rằng chúng ta phải nghĩ đến việc sử dụng những gì chúng ta có trong tay theo những cách mới", bà nói. "Làm cách nào để tôi kết hợp mọi thứ theo những cách khác nhau cho phép tôi hoạt động hiệu quả hơn và khai thác tốt hơn... các điểm yếu của phía bên kia hoặc tăng cường các điểm mạnh của bản thân theo một cách nào đó?".

Tàu chiến Mỹ, Nhật, Australia tập trận trên Biển Đông

Hạm đội 7 của hải quân Mỹ xác nhận tàu khu trục nước này vừa tập trận chung với tàu chiến của Nhật Bản và Australia trên Biển Đông vào ngày 19/10.

Mỹ bừng tỉnh trước tham vọng hải quân của Trung Quốc

Báo cáo mới của Lầu Năm Góc lo ngại Trung Quốc có thể đã vượt Mỹ trong một số phương diện về quân sự.

Đông Phong

Theo Nikkei Asia

Bạn có thể quan tâm