Theo danh sách này, năm 2017, Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Hiếu Nghĩa nhập khẩu từ Trung Quốc 1.600 đôi giày nhưng trên sản phẩm lại ghi nhãn dán “Made in Vietnam”.
Đến năm 2018, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã phát hiện và xử lý vi phạm đối với hàng loạt doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tình trạng gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn mác trong thời gian qua có xu hướng gia tăng. Ảnh minh họa. |
Đầu tiên, cơ quan chức năng phát hiện Công ty TNHH MTV Thương mại Tổng hợp Bảo Tiến An nhập khẩu từ Trung Quốc 3.300 bộ khóa mang nhãn hiệu khóa Việt Tiệp, 1.560 van bếp ga đã dán tem kiểm nghiệm của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh Việt Nam.
Tiếp đến trong tờ khai hải quan, Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Trần Vượng khai báo lô hàng có chứa loa kết hợp với máy ghi và tái tạo âm thanh, hàng mới 100% có xuất xứ Trung Quốc, trị giá hàng hóa ghi trên theo khai là 10.217 USD tương đương gần 239 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi cơ quan hải quan kiểm tra hàng hóa thì phát hiện có 600 loa thùng kéo và 1.200 micro. Trên thùng carton và micro có ghi tiếng Việt, nội dung loa Nanomax, Công ty cổ phần xây dựng và điện tử Sơn Tùng (trụ sở tại TP.HCM) “Made in Vietnam”. Như vậy, công ty đã khai báo sai về tên hàng, công suất, số lượng, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa.
Sau đó, Công ty TNHH MTV Xuất Nhập khẩu Thành Quý và Công ty TNHH Thương mại Aeolus Henan đã nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 2.880 bút bi ghi nhãn hiệu Thiên Long, 438 bộ tay nắm khóa cửa Huy Hoàng, 287 dòng hàng không khai báo hải quan nghi vấn hàng giả nhãn mác.
Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH H.T (đóng tại TP.HCM) khai báo nhập 6 container gạch ốp lát không tráng men, mới 100%, xuất xứ Trung Quốc. Qua kiểm tra, cơ quan hải quan phát hiện trên bao bì sản phẩm thể hiện chữ “Made in Vietnam” nhãn hiệu Royalgresporcelantato, sản xuất tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Tổng cục Hải quan đánh giá đây là hành vi dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Trước đó tại hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Hải quan cho biết thực tế hiện nay đang xảy ra tình trạng hàng hóa giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước mà hàng Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan.
Ông Cẩn cũng khẳng định Tổng cục Hải quan đang làm việc với cơ quan cung cấp giấy phép xuất xứ là Bộ Công Thương để đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng gian lận xuất xứ diễn ra thời gian qua.