Nhóm tác chiến tàu sân bay Ấn Độ phô diễn sức mạnh trên biển. Ảnh: Wikipedia |
India’s Economic Times dẫn lời Đô đốc P. Murugesan, Phó tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ cho biết, hải quân nước này đang lên kế hoạch mở rộng quy mô lực lượng nhằm đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Sĩ quan cao cấp cho biết thêm, từ bây giờ đến năm 2027, New Delhi sẽ đóng thêm 48 tàu chiến các loại.
Hiện nay, Ấn Độ có 137 chiến hạm, mỗi năm sẽ có từ 4 đến 5 chiếc mới bổ sung vào biên chế. Đến năm 2027, Ấn Độ có tổng cộng khoảng 200 tàu chiến đưa họ trở thành một trong những lực lượng hàng đầu khu vực châu Á.
Đánh giá về kế hoạch của Ấn Độ, tạp chí National Interest nhận xét, các nhà máy đóng tàu trong nước phải gia tăng công suất mới có thể đáp ứng tham vọng của hải quân. Tuy nhiên, ngành công nghiệp đóng tàu Ấn Độ thường xuyên chậm tiến độ. Nếu New Delhi chỉ dựa vào thực lực trong nước rất khó để hoàn thành mục tiêu.
Zachary Keck, thuộc Trung tâm an ninh mới của Mỹ nhận định, Ấn Độ phải lựa chọn giải pháp nhập khẩu từ nước ngoài cho kế hoạch 200 tàu chiến đến năm 2027. Theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, Ấn Độ là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới giai đoạn 2010-2014. New Delhi chiếm tới 15% tổng thị phần thương mại quốc phòng thế giới.
Hải quân Ấn Độ tiếp tục thuê tàu ngầm tấn công hạt nhân từ Nga để đáp ứng nhiệm vụ trước mắt. Ảnh: National Interest |
Hiện tại, New Delhi nhập khẩu vũ khí của Nga nhiều nhất, nhưng xu hướng đang thay đổi sang các hệ thống vũ khí hiện đại của Mỹ. Ấn Độ đã nhập khẩu trực thăng tấn công AH-64 Apache, máy bay tuần tra hàng hải P-8 Poseidon từ Washington.
Kế hoạch mở rộng quy mô của Hải quân Ấn Độ là phản ứng nhằm đối phó với tốc độ hiện đại hóa “chóng mặt” của Hải quân Trung Quốc, Keck nhận xét. Bắc Kinh từng tuyên bố, Ấn Độ Dương không phải là “sân sau” của Ấn Độ. Trung Quốc đã xây dựng một số cơ sở có khả năng tiếp nhận tàu ngầm ở Colombo, Sri Lanka trên Ấn Độ Dương.
Trước đó, một nguồn tin trong quân đội Ấn Độ từng bày tỏ sự quan ngại về kế hoạch của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, đặc biệt là khả năng triển khai tàu ngầm tấn công hạt nhân Type-093 ở khu vực này. Trước những động thái của Bắc Kinh, Ấn Độ đã lên kế hoạch đóng mới 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân trong nước, nhằm xây dựng lực lượng tác chiến dưới nước mạnh mẽ.
Trong cuộc phỏng vấn với India’s Economic Times, Phó tham mưu trưởng Murugesan tiết lộ: “Chính phủ đã phê duyệt dự án tàu ngầm tấn công hạt nhân đầu năm nay, chúng tôi bắt đầu triển khai nhưng vẫn ở giai đoạn phác thảo bản vẽ”.
Vị chỉ huy hy vọng quá trình thiết kế, sản xuất sẽ hoàn thành trong 15 năm tới. Trong lúc chờ đợi dự án mới, Ấn Độ tiếp tục thuê tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula của Nga để đáp ứng nhu cầu trước mắt.