HAGL và Hải Phòng đều không có phong độ cao trước trận đấu chiều 29/6 trên sân Lạch Tray tại vòng 7 V.League. Trong khi Hải Phòng đá rất tệ trên sân nhà, chưa thắng trận nào từ đầu mùa, HAGL cũng gây thất vọng trên sân khách. Đội bóng của HLV Lee Tae-hoon thua 3 trong 4 trận sân khách từ đầu mùa, thủng lưới 11 bàn.
HAGL được đánh giá cao hơn với nhiều tuyển thủ quốc gia trong đội hình. Ngoài ra, HLV Lee Tae-hoon còn đón chào sự trở lại của Lương Xuân Trường sau 9 tháng. Trận đấu ở Lạch Tray có thể đánh dấu màn tái xuất của tiền vệ sinh năm 1995 ở đội hình chính. Chính tại nơi này, 2 năm trước, anh có cú đá phạt ngoạn mục vào lưới Đặng Văn Lâm.
Không có Xuân Trường, Tuấn Anh được giao nhiệm vụ gánh vác tuyến giữa HAGL. Tiền vệ gốc Thái Bình trở lại ngoạn mục và thể hiện được tầm ảnh hưởng trong lối chơi. Ảnh: Minh Chiến. |
Lạch Tray và nghiệt duyên Tuấn Anh - Xuân Trường
Ngày 17/3/2018, HAGL đến làm khách trên sân của Hải Phòng. Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 1-1, nhưng lại khắc sâu trong ký ức bộ đôi Nguyễn Tuấn Anh và Xuân Trường những mảng màu ký ức trái ngược.
Đó là trận đấu mà Tuấn Anh, trở lại sau nhiều tháng điều trị, lại tái phát chấn thương theo cách không thể đen đủi hơn khi va chạm với đồng đội Nguyễn Đăng Tuấn. Anh rời sân sau 17 phút, ngồi khóc trong cabin huấn luyện. Để lỡ nhiều giải đấu lớn vì vết đau trên gối, trong đó có giải đấu mà U23 Việt Nam tạo kỳ tích ở Thường Châu, Tuấn Anh đặt rất nhiều kỳ vọng cho sự trở lại, nhưng lời hồi đáp của số phận chỉ là một chấn thương nữa.
Đối lập với nỗi đau của Tuấn Anh là màn trình diễn chói sáng của Xuân Trường. Tiền vệ gốc Tuyên Quang xé lưới Văn Lâm với cú đá phạt chuẩn mực. Xuân Trường khi ấy đang trên đỉnh cao sự nghiệp với tư cách đội trưởng U23 Việt Nam, thủ lĩnh của HAGL.
Xuân Trường (phải) và Tuấn Anh (trái) trong lần hiếm hoi cùng góp mặt ở tuyển Việt Nam tại King’s Cup 2019. Ảnh: Minh Chiến. |
Bộ đôi thân thiết ngày nào bị chia cắt trong buổi chiều buồn ở Lạch Tray. Trận cầu ở Hải Phòng cũng đào thêm vách ngăn khó lý giải giữa Tuấn Anh và Xuân Trường. Kể từ năm 2016, cứ người này tỏa sáng thì người kia sẽ gặp vận xui.
Khi Tuấn Anh gánh vác tuyến giữa HAGL, Xuân Trường lại không góp mặt, hoặc vì thi đấu ở Hàn Quốc (2016, 2017), hoặc vì chấn thương. Bộ đôi Tuấn Anh - Xuân Trường chỉ có vài trận đá cùng cuối mùa 2019, trước khi Xuân Trường nghỉ thi đấu vì đứt dây chằng.
Thời điểm tiền vệ mang áo số 6 sa sút, mất suất ở tuyển và chấn thương, Tuấn Anh lại nổi lên. Anh trở thành quân bài chiến lược của HLV Park Hang-seo, cùng Đỗ Hùng Dũng tạo thành bộ đôi chắc chắn ở khu trung tuyến. Mùa này, Tuấn Anh sắm vai thủ lĩnh, cáng đáng tuyến giữa HAGL và làm nhiệm vụ sáng tạo thay đồng đội.
Hải Phòng chơi rất tệ trên sân nhà, nhưng khả năng phòng ngự của đội bóng đất Cảng là không thể xem thường. Ảnh: Minh Chiến. |
HAGL hay hơn khi Xuân Trường trở lại?
Xuân Trường chưa chứng tỏ được nhiều ở nửa cuối hiệp 2 trận HAGL thua SHB Đà Nẵng. Khó kỳ vọng một cầu thủ nghỉ tới 9 tháng có thể thích nghi ngay lập tức. Tuy nhiên, đẳng cấp của Xuân Trường đã được khẳng định. Sự hòa hợp của cầu thủ này với Tuấn Anh có thể là điểm tựa để nâng tầm tuyến giữa đang rất yếu của HAGL.
Trở lại những trận vừa qua, HAGL gặp vấn đề trong khâu phòng ngự với nhiều sai lầm cá nhân, nhưng hàng tiền vệ không “vô can”. Trước CLB Hà Nội, Viettel và SHB Đà Nẵng, HAGL đều thua 3 bàn liên tiếp, không gỡ được bàn nào giữa những bàn thua kể trên. Cá biệt ở trận gặp Viettel, HAGL thua 3 bàn trong 9 phút. Chưa đội nào ở V.League thua nhiều trong khoảng thời gian ngắn như vậy.
Điều này chứng minh HAGL thiếu khả năng điều tiết, làm chủ nhịp độ sau khi thủng lưới. Đội bóng phố núi có thể đá tốt khi dẫn bàn, nhưng lại rời rạc, thiếu sinh khí nếu gặp biến động về thế trận. Lý do là bởi HAGL không có mẫu tiền vệ giỏi cầm nhịp. Một dàn nhạc không thể hài hòa nếu thiếu cây đũa của người nhạc trưởng.
Những trận vừa qua, Tuấn Anh đơn độc giữa dàn nhạc hỗn loạn của HAGL. Kelly Kester, Triệu Việt Hưng hay Trần Minh Vương đều không phải mẫu giỏi cầm nhịp, giúp đội nhà điều khiển thế trận bằng những đường chuyền. Phẩm chất ấy chỉ Xuân Trường có.
Tất nhiên, Xuân Trường còn nhiều khuyết điểm, đặc biệt ở khả năng phòng ngự, va chạm, tranh chấp, nhưng cầu thủ này có thứ HAGL đang thiếu. Đó là những tình huống “cắt tiết” hàng thủ đối phương, thay thế cho những đường chuyền ngang an toàn. Chưa kể khả năng đá phạt gián tiếp, trực tiếp của Xuân Trường cũng rất có lợi trong những thế trận bế tắc.
BLV Vũ Quang Huy đánh giá rất cao tài năng của Xuân Trường: "Xuân Trường từng là quân bài tẩy của HLV Park Hang-seo. Giải đấu ở Thường Châu, Xuân Trường cùng với Đức Huy đã chơi rất tốt, làm nên tên tuổi của thầy Park ở Việt Nam. Xuân Trường không phải lúc nào cũng giữ được phong độ, có lúc chấn thương, nhưng cứ khoẻ mạnh là nằm trong kế hoạch của thầy Park. Bởi vậy, sự trở lại của cậu ấy chắc chắn giúp HAGL mạnh hơn".
Từ khi Xuân Trường trở lại, người hâm mộ HAGL vẫn luôn chờ đợi những pha phối hợp ăn ý từ Xuân Trường, Tuấn Anh, điều đã khá lâu không diễn ra.
Hải Phòng sẽ đá rất rát để bảo vệ khung thành của Nguyễn Văn Toản. Đội bóng của HLV Phạm Anh Tuấn đã giữ sạch lưới 3 trận đầu mùa bằng cách chơi này. Hàng phòng ngự lùi sâu của Hải Phòng có thể là khắc tinh với những đội bóng ưa kiểm soát. Để mở khóa chiến thắng, HAGL càng cần có tiền vệ giỏi khai thác khoảng trống như Xuân Trường.