Sau khi chia tay HLV Alfred Riedl ở AFF Cup 2016, Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) lần lượt mời về 3 HLV tài danh dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Họ là Luis Milla, Simon McMenemy và Shin Tae-yong.
Hai người đầu tiên đã thất bại, còn người số ba vừa tạo ra vụ lùm xùm lớn nhất bóng đá Indonesia năm 2020.
Họ đều có một điểm chung. Ngày chia tay là lúc họ và PSSI không nhìn nổi mặt nhau.
HLV Shin Tae-yong là chiến lược gia lừng danh kế tiếp mâu thuẫn nghiêm trọng với quan chức bóng đá Indonesia. Ảnh: Getty. |
Thuê HLV giỏi để làm gì?
Gặp gỡ và ly biệt là chuyện thường ngày trong bóng đá đỉnh cao, nhất là với vị trí HLV vốn chịu nhiều áp lực. Trong các cách chia tay, PSSI luôn biết đường chọn cách tệ nhất. Ba HLV tuyển quốc gia gần nhất của họ đều chỉ trích thậm tệ liên đoàn.
Sau gần 2 năm gắn bó, Luis Milla đăng trạng thái ngay trong ngày chấm dứt hợp đồng. Ông bảo bóng đá Indonesia “quản lý kém, tính chuyên nghiệp thấp và liên tục vi phạm các điều khoản hợp đồng”.
Một năm sau đó, tới lượt Simon McMenemy rời Indonesia trong tủi hổ. Sau trận gặp Việt Nam ở vòng loại World Cup hồi tháng 10/2019, hàng nghìn CĐV Indonesia đứng ngoài sân vận động đòi sa thải ông. Trong phòng họp báo, các phóng viên chủ nhà nhếch mép cười, không ngừng khiêu khích vị HLV tội nghiệp. Không có quan chức PSSI nào hiện ra để bảo vệ ông.
“Nghe những âm thanh ngoài kia kìa, họ như muốn giết tôi khi đi ra xe ấy. Họ cứ đòi hỏi đội bóng phải thắng tất cả trận đấu và vượt qua vòng loại World Cup. Làm sao thế được khi mà vòng loại gần nhất, Indonesia còn bị cấm tham dự? Chúng ta chưa sẵn sàng dự World Cup từ ngoài sân chứ chưa nói đến màn trình diễn trên sân”, McMenemy chán nản nói trong phòng họp báo.
Khác với 2 người trên, Shin Tae-yong chưa bị sa thải, nhưng ông cũng chẳng tiếc lời chỉ trích đối tác: “Chủ tịch liên đoàn muốn chúng tôi có mặt ở tứ kết U19 châu Á tại Uzbekistan tháng 10 tới, kỳ vọng đội vô địch AFF Cup. Ở U20 World Cup 2021 tại Indonesia, họ cũng muốn đội tuyển vào tứ kết. Họ không hiểu Indonesia xếp hạng FIFA bao nhiêu à? Hạng 173 đấy”.
Ông McMenemy hay các HLV Indonesia khác không nhận được sự ủng hộ từ liên đoàn như ông Park Hang-seo ở tuyển Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Trên báo chí Indonesia những ngày qua, không khó để cảm nhận bầu không khí thù địch mà Milla, McMenemy hay Shin đã trải qua. Người Indonesia bỏ tiền đưa về 3 HLV đẳng cấp, nhưng cư xử với họ như thể đó chỉ là người làm thuê chứ không phải người thầy, có năng lực dẫn dẫn nền bóng đá. Dù đó đều là những HLV tài danh.
Milla nổi tiếng khi đưa U21 Tây Ban Nha lên đỉnh châu Âu, là thầy của Ander Herrera, David de Gea và Juan Mata. Shin Tae-yong là một trong những HLV hay nhất châu Á, từng khiến thế giới kinh ngạc khi giúp Hàn Quốc quật ngã tuyển Đức ở World Cup. McMenemy kém danh tiếng nhất, cũng có bản hồ sơ đẹp với nhiều thành tích ở khu vực.
Khi một trong 3 người mâu thuẫn với PSSI, ta có thể nghĩ đó là ngoại lệ. Khi cả ba đều lên tiếng, bóng đá Indonesia có lẽ phải xem lại mình.
Những gì Shin Tae-yong vừa với báo chí Hàn Quốc đã lột tả chính xác những mâu thuẫn của bóng đá Indonesia. Tứ kết U19 châu Á, vô địch AFF Cup hay tứ kết U20 World Cup, đó là những kỳ vọng dành cho một đội tuyển tốp đầu châu Á.
Đội tuyển ấy không thể là Indonesia.
Tuyển Việt Nam hoàn toàn áp đảo Indonesia tại vòng loại World Cup 2022 hồi tháng 10/2019. Ảnh: Minh Chiến. |
Nền bóng đá đầy mâu thuẫn
Người Indonesia không thiếu tiền. Nhiều nguồn tin cho thấy Luis Milla hay Shin Tae-yong đều nhận lương xấp xỉ 60.000 USD/tháng, cao hơn nhiều so với mặt bằng Đông Nam Á, nhưng nhiều tiền không có nghĩa là được đòi hỏi vô lý.
Những ai theo dõi bóng đá Indonesia vài năm qua đều biết tuyển Indonesia không được dự vòng loại Wold Cup 2018 vì án phạt của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) khi để chính phủ can thiệp quá sâu vào bóng đá.
Án phạt này khiến Indonesia vắng mặt ở các giải châu lục suốt từ năm 2015 tới 2018, khiến đội tuyển của họ ít được thi đấu, mất điểm trên hệ thống FIFA, sa sút cả về trình độ và vị thế. Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến tuyển Indonesia bị đẩy xuống nhóm hạt giống cuối cùng ở vòng loại World Cup 2022.
Thượng tầng bóng đá Indonesia càng hỗn loạn hơn khi năm ngoái, ông Mochamad Iriawan nhậm chức chủ tịch liên đoàn. Ông Iriawan là người có nhiều sự quan tâm tới bóng đá. Tuy nhiên, hiểu biết hạn hẹp về bóng đá của ông tiếp tục tạo ra vấn đề, bằng chứng là vụ từ chức của Tổng thư ký Ratu Tisha Destria, người từng làm tới chức Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Châu Á.
Nhiều nguồn tin nói bà Ratu buộc phải từ chức vì mâu thuẫn trong công việc với tân chủ tịch. Báo giới Indonesia cũng khẳng định ông Iriawan đã “ký tên ngay lập tức” xuống lá đơn của bà Ratu.
Thượng tầng mâu thuẫn khiến bóng đá Indonesia không còn thời gian chăm lo cho các đội tuyển.
Ông Mochamad Iriawan không được đánh giá cao về chuyên môn bóng đá, nhưng đang là người đứng đầu PSSI. Ảnh: Antara Foto. |
Trong 3 đại diện Đông Nam Á ở bảng G vòng loại World Cup, Indonesia thiếu bản sắc nhất, không định hình nổi đường lối cho nền bóng đá. Thái Lan và Malaysia đều có giải quốc nội chất lượng, Việt Nam có hệ thống đào tạo trẻ tiên tiến. Indoneisa thì chẳng có gì.
Tuyển Indonesia thua Việt Nam 1-3 tại vòng loại World Cup hôm 15/10/2019 thì tới ngày 16/10, các tuyển thủ đã lục tục ra sân tại giải quốc nội. Trước đó, nhiều CLB đồng loạt từ chối nhả người cho đội tuyển. Ngoại binh Marko Simic trầy trật khi đá ở V.League, nhưng sang Indonesia lập tức thành siêu sao. Hai mùa V.League, anh ghi vỏn vẹn 11 bàn. Năm gần nhất ở Liga, anh có 28 bàn.
Với nền bóng đá như thế, PSSI lẽ ra phải cho các HLV nhiều thời gian, nhưng kiên nhẫn lại là việc họ làm tệ nhất. Shin Tae-yong không phải HLV đầu tiên được đề nghị vô địch AFF Cup ngay trong năm đầu tiên cầm quân. Trước ông, Milla và McMenemy đều nhận được những đòi hỏi tương tự, như vào tứ kết Asian Games hay vượt qua vòng loại World Cup.
Ngày tới Indonesia, Shin nói ông là người châu Á nên phần nào hiểu được văn hóa Indonesia, nhưng sự ảo tưởng này có lẽ là điều ông không hề tính đến.