Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai giây quyết định vận mệnh

Có những lúc, người ta chỉ cần liếc nhìn bạn một cái là đủ để quyết định một cơ hội, hay thậm chí là cả cuộc đời của bạn.

Có một cậu thanh niên nọ khi đi phỏng vấn xin việc, vì cài lệch cúc áo nên đã để lại ấn tượng xấu trong mắt vị trưởng phòng nhân sự. Mặc dù trong buổi phỏng vấn, cậu thể hiện rất tốt, trả lời rành mạch, trơn tru mọi câu hỏi được đưa ra, nhưng cuối cùng vẫn không được nhận vào làm.

Cô trợ lý tò mò, bèn hỏi trưởng phòng nguyên nhân, câu trả lời là: “Một người mà ngay cả bề ngoài của mình cũng không chú ý, làm sao có thể tỉ mỉ trong công việc được?”.

Có thể trong đời, ít nhất một lần bạn đã gặp tình huống: khi tiếp xúc với một số người, giữa bạn và họ chỉ đơn thuần là quan hệ xã giao không mấy thân thiết, thế nhưng mọi cử chỉ, hành động của họ đều toát ra sức cuốn hút lạ lùng, để lại cho bạn ấn tượng sâu sắc. Vì vậy, bạn cảm thấy quý mến và mong rằng sẽ tiếp tục được gặp lại họ lần sau.

Nhưng cũng có một số người, dù có khoe khoang hoặc được tán dương là giỏi giang đến mức nào, nhưng chỉ cần liếc mắt qua là bạn đã cảm thấy thiếu thiện cảm và không muốn gặp gỡ, tiếp xúc nữa.

Mặc dù những người này không có quan hệ mật thiết với bạn, chính thái độ của họ sẽ khiến cho bạn có quyết định tiếp tục giao thiệp với họ nữa không, và nhân tố ảnh hưởng đến quyết định này, không gì khác chính là ấn tượng đầu tiên mà họ để lại cho bạn.

Thực ra, ấn tượng này chưa hẳn lúc nào cũng chính xác, nhưng nó lại rất rõ ràng và sâu sắc. Đối với những người mà chúng ta có ấn tượng tốt, tất nhiên chúng ta muốn tiếp tục trò chuyện và trao đổi với họ. Với những người để lại ấn tượng không tốt, khó tránh khỏi việc chúng ta nảy sinh ác cảm và ý nghĩ muốn cắt đứt mối quan hệ sẽ lập tức xuất hiện trong đầu.

Mặc dù chúng ta vẫn thường nói không nên đánh giá con người qua hình thức bên ngoài, nhưng đại đa số mọi người vẫn đều phán đoán người đối diện tốt hay xấu thông qua dáng vẻ bên ngoài ngay trong lần gặp đầu tiên. Có những lúc, người ta chỉ cần liếc nhìn bạn một cái là đủ để quyết định một cơ hội, hay thậm chí là cả cuộc đời của bạn. […]

Tuoi 20 anh 1

Người trẻ cần chú ý gây ấn tượng ban đầu thật tốt khi đi phỏng vấn xin việc. Nguồn: careerbuilder.

Ông bà ta có câu: “Trông mặt mà bắt hình dong”, ngoại hình có thể phản ánh trực tiếp tính cách, khí chất của một người. Nó luôn là thước đo đầu tiên trước khi người khác muốn làm quen hay nhận xét tài năng của bạn.

Các nghiên cứu tâm lý học đã chứng minh, trong những ấn tượng đầu tiên để lại với người khác, có trên 50% thông tin đến từ ngoại hình. Ngoại hình của bạn là một trong những điều kiện quan trọng quyết định đến việc người khác có nghĩ bạn đáng tin hay không. Đây cũng là điều kiện hàng đầu quyết định xem người khác sẽ đối xử với bạn ra sao. Nếu như bạn để lại ấn tượng xấu thì sẽ phải mất rất nhiều thời gian để người khác hiểu và thay đổi ấn tượng của họ về bạn. Nói cách khác, trong các mối quan hệ xã hội, bước sai bước đầu tiên, thì lần sau dù có cố gắng đến đâu cũng khó mà sửa chữa được.

Là người trẻ, trong lần đầu gặp mặt ai đó, chúng ta đều muốn họ có cảm tình với mình. Khi đi phỏng vấn xin việc, khi kết giao bạn bè, khi làm quen tán tỉnh, chẳng ai là không muốn để lại ấn tượng tốt đẹp. Nếu muốn như vậy, trước hết bạn cần phải nỗ lực học hỏi, bạn muốn người khác ấn tượng về mình thế nào thì hãy thể hiện như thế. Vậy thì làm thế nào để khiến người khác có ấn tượng tốt về mình? Dưới đây là những gợi ý dành cho bạn.

Trang phục chỉnh tề, phù hợp: khi bạn khoác lên mình bộ trang phục sạch sẽ, gọn gàng, vừa vặn, người khác sẽ cảm nhận được sự nghiêm túc, nhiệt tình của bạn; ngược lại, ăn vận luộm thuộm sẽ khiến người khác cảm thấy bạn ít nhiều là kẻ nông cạn, lười biếng. Nếu là bạn, bạn muốn kết giao với kiểu người nào hơn?

Những ngành nghề hay lĩnh vực khác nhau sẽ có tiêu chuẩn thẩm mỹ và phong cách thời trang khác nhau. Cơ quan nhà nước, trường học yêu cầu trang phục chỉnh tề, những bộ quần áo hay kiểu tóc quá “mốt” sẽ không phù hợp với môi trường công việc nơi đây; còn những công ty giải trí tin tức, truyền thông, văn nghệ thì không cần quá nghiêm túc. Nhưng đối với những bạn trẻ vừa tốt nghiệp ra trường, dù là làm việc ở lĩnh vực nào, tốt nhất, bạn vẫn nên ăn mặc gọn gàng, đơn giản, thoải mái, tránh để ảnh hưởng đến hình tượng của bản thân.

Không nên có quá nhiều “động tác thừa”: khi giao tiếp trực diện, bạn không nên có những động tác làm ảnh hưởng đến quá trình trò chuyện giữa hai người. Nếu khi nói chuyện mà bạn cứ mải vuốt tóc, nghịch điện thoại, chỉnh sửa quần áo, tay chân đặt lung tung thì cũng có nghĩa bạn không có chút tôn trọng tối thiểu nào với người đối diện.

Vẻ mặt chú ý, mỉm cười nhẹ nhàng: Dù cố gắng che đậy cảm xúc bằng những điệu bộ, cử chỉ hoặc phục sức bên ngoài, một lúc nào đó trong giao tiếp, cảm xúc của bạn cũng sẽ bộc lộ ra. Rất nhiều bạn trẻ khi có cuộc hẹn thường chỉ chú ý đến những vấn đề như “cà vạt có bị lệch không? Màu cà vạt có tiệp với áo sơ mi không?”, “Tóc đã ổn chưa?”… mà quên mất tầm quan trọng của “nét mặt”.

Trước khi gặp một ai đó, bạn hãy đứng trước gương ngắm nhìn một chút, xem nét mặt của mình hôm nay liệu có gì khác lạ hay không, nếu như quá căng thẳng, tốt nhất bạn nên tự “cười ngốc” một cái để cơ mặt giãn ra, giảm bớt áp lực.

Alpha Books / NXB Văn học

SÁCH HAY