Trường hợp lây nhiễm Covid-19 của đôi vợ chồng nghỉ hưu khi đi du lịch vừa qua tại Trung Quốc đã dẫn đến một đợt truy vết nguồn lây diễn ra tại nhiều tỉnh và khu vực ở miền Bắc nước này.
Sau khi được tin báo ở Tây An, trong vòng ba ngày từ hôm 16/10, 5 bạn đồng hành và hàng trăm người liên quan đến đôi vợ chồng đã được xác định. Họ cũng có kết quả dương tính.
Nhiều thành phố tiến hành xét nghiệm hàng loạt, một trung tâm vận tải đường bộ và các điểm đến nhóm này ghé thăm ngừng hoạt động để khử trùng chỉ trong 72 giờ.
Trên truyền thông, lịch trình di chuyển của nhóm du khách xuất hiện rộng rãi. Nhiều người cung cấp thông tin bổ sung khi các ứng dụng giám sát di chuyển bỏ sót.
Tất cả biện pháp trên nằm trong chiến lược ứng phó khẩn cấp của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Trong những tháng gần đây, cách làm này đã lặp lại thường xuyên khi các ca nhiễm hầu hết do biến chủng Delta gây ra. Dù vậy, vụ việc trên dường như trở thành ví dụ điển hình về những thách thức Trung Quốc phải đối mặt khi vẫn theo đuổi chính sách "Zero Covid-19", theo South China Morning Post.
Trung Quốc vẫn duy trì "Zero Covid-19" trong thời điểm nhiều quốc gia đã chọn chung sống với đại dịch. Ảnh: South China Morning Post. |
Rủi ro tiềm ẩn
Ông Jin Dongyan, chuyên gia y khoa Đại học Hong Kong, cho biết: “Những ca nhiễm kiểu này ngày càng phổ biến... Câu hỏi là liệu chúng có bùng phát thành đợt lây nhiễm lớn hay không”.
Đến nay, các phản ứng quyết liệt của chính quyền vẫn ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đưa số ca nhiễm mới về mức 0 - mục tiêu mà chính phủ Trung Quốc theo đuổi. Nỗ lực này trái ngược với phương châm ngày càng nhiều quốc gia áp dụng là sống chung với virus.
Dù vậy, trường hợp dương tính của cặp vợ chồng ở Tây An - những người chưa xác định được nguồn lây - cho thấy chiến lược của Trung Quốc đối mặt những thách thức lớn, dễ gây tâm lý mỏi mệt và để lại hậu quả nặng nề về kinh tế.
Các chuyên gia đã nêu lên quan ngại: Lượng khách quốc tế từ những nơi có nguy cơ cao, chiều dài biên giới đất liền của Trung Quốc, nguy cơ về các biến chủng mới cùng những ca mắc cộng đồng bị bỏ sót. Bắc Kinh chưa cho thấy dấu hiệu họ sẽ thay đổi sách lược chống dịch trong thời gian trước mắt, dù một số chuyên gia trong nước đã úp mở về việc này.
“May mắn là họ vẫn kiểm soát được đại dịch, bất chấp rủi ro luôn hiện hữu”, ông Jin nói.
Rủi ro vẫn còn trong thành tựu chống dịch hiện tại của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Những phòng tuyến đầu tiên
Việc duy trì “Zero Covid-19” đòi hỏi nhà chức trách phải đảm bảo các sân bay và những cửa ngõ trở thành phòng tuyến đầu tiên chống Covid-19. Tuy nhiên, ông Chen Xi, chuyên gia tại Trường Y tế Công cộng Yale (Mỹ), cho biết: "Vẫn có những sân bay và trung tâm vận tải nhỏ ít kinh nghiệm đối phó với virus”.
“Với chính sách 'Zero Covid-19', nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn. Bất kỳ điểm yếu nào cũng có thể khiến dịch bùng phát ở quy mô lớn", ông Chen nói.
Theo ông Chen, nhiều quốc gia láng giềng của Trung Quốc đang là điểm nóng về dịch bệnh. Riêng ở tỉnh Vân Nam (tây nam Trung Quốc), các ca nhiễm đã được phát hiện tại một số địa phương gần biên giới Myanmar.
Số ca nhiễm trong mùa hè vừa qua - đợt bùng phát lớn nhất ở Trung Quốc từ làn sóng đầu tiên tại Vũ Hán - chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân kể trên, ông Chen khẳng định.
Trước đó, các ca nhiễm ban đầu liên quan đến nhóm nhân viên sân bay ở phía đông thành phố Nam Kinh. Những người này dường như tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trong lúc vệ sinh máy bay đến từ Moscow - chuyến bay khi đó đã chở một hành khách mang mầm bệnh.
Những tuần gần đây, hướng dẫn và khuyến nghị của chính quyền đã cập nhật về quy trình khử trùng cabin và hàng hóa, xử lý rác thải trên máy bay và công tác thông gió sân bay.
Nhân viên cũng được Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc khuyến cáo thực hiện quy trình quản lý khép kín, hạn chế tiếp xúc với người khác cả trong và ngoài sân bay khi làm việc. Hướng dẫn cho biết người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao nên sinh hoạt tập trung, khi trở về cần theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày.
Theo truyền thông địa phương, ở sân bay quốc tế Phố Đông (Thượng Hải) - địa điểm trung chuyển khoảng một nửa số hàng hóa của Trung Quốc, các nhân viên tuyến đầu phải làm việc trong 14 ngày, cách ly tập trung trong 7 ngày và tự cách ly thêm 7 ngày nữa.
Ông Kwok Kin On, chuyên gia tại Đại học Hong Kong, cho biết khi lực lượng chuyên trách giải quyết được càng nhiều kẽ hở phòng dịch ở biên giới, chi phí cho nhân lực, thực hiện phong tỏa và truy vết nguồn lây càng ít đi.
“Chúng ta không thể đảm bảo hệ thống hiện tại hoàn hảo 100%. Nhưng chỉ cần 0,1% ca dương tính khi nhập cảnh, khả năng dịch bệnh bùng phát vẫn xuất hiện", ông Kwok nói.
Nhân viên y tế trong đợt xét nghiệm Covid-19 thứ sáu kể từ cuối tháng 7 tại Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) vào tháng 8. Ảnh: Barcroft Media. |
Triển vọng tương lai
Giới chuyên gia cho rằng trong ít nhất vài tháng tới, trước thời điểm Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa đông, sẽ không có nhiều thay đổi trong chính sách kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc.
Ông Gao Fu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, nói rằng nhà chức trách vẫn theo dõi tình hình sát sao, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng chuẩn bị vượt mốc 80%.
“Nếu vẫn thực hiện chính sách 'Zero Covid-19', chúng ta cần lưu tâm đến thực tế rằng vaccine có thể suy giảm khả năng bảo vệ, tác động của biến chủng Delta hay các chủng mới với những 'ca nhiễm đột phá' (đã tiêm vaccine nhưng vẫn nhiễm bệnh)", ông Kwok cho biết.
Yếu tố trên trở nên đáng lo ngại khi đợt cúm mùa sẽ bắt đầu vào mùa đông, trong bối cảnh số lượng giường điều trị tích cực (ICU) ở Trung Quốc ít hơn so với Mỹ, ông Chen cho biết. “Ngay cả một tỷ lệ nhỏ (trong 1,4 tỷ dân số Trung Quốc) nhập viện, hệ thống y tế vẫn có thể quá tải", ông Chen khẳng định.
“Tệ nhất là khi nhận ra có rất nhiều ca nhiễm nhưng đã quá muộn", ông Jin lo ngại.