Trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự" vào Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển đều có những lý do khác nhau để chọn đứng ngoài liên minh quân sự NATO. Tính trung lập của họ bắt nguồn từ địa lý, lịch sử và thậm chí bản sắc dân tộc.
Thế nhưng, trong tuần này, cả hai quốc gia Bắc Âu đã cùng thống nhất, đi đến quyết định chung là từ bỏ chính sách không liên kết quân sự, tạo ra sự thay đổi trật tự an ninh của châu Âu.
Dù vậy, theo Guardian, vẫn có sự khác nhau giữa hai quốc gia trên con đường gia nhập NATO.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại buổi lễ đánh dấu Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập. Ảnh: Reuters. |
"Cơn địa chấn" đã được báo trước ở Phần Lan
Các chuyên gia từng cho rằng sự trung lập của Phần Lan là cách duy nhất có thể để đối phó với thực tế nước này có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga.
“Chính sách an ninh của Phần Lan luôn thực dụng. Họ chỉ làm theo những gì tốt nhất cho họ, không có sự cân nhắc đắn đo về hệ tư tưởng”, Minna Ålander, một chuyên gia về Bắc Âu tại Viện các vấn đề quốc tế và an ninh của Đức ở Berlin, nói.
Bà cho biết cách tiếp cận dựa trên “mối quan hệ tốt đẹp với Nga và đảm bảo khả năng an ninh cao”. Tuy nhiên, kể từ tháng 2, điều đó đã trở nên khó có thể duy trì.
Các cuộc trò chuyện giữa chính trị gia Phần Lan dần xoay quanh vấn đề an ninh, như Nga đã trở thành một nước láng giềng không đáng tin cậy như thế nào, và chỉ có lực lượng phòng thủ tập thể của NATO mới có thể ngăn chặn.
Đó là một bước tiến lớn. Trong quá khứ, Phần Lan và Liên Xô từng xảy ra cuộc xung đột gay gắt, đặc biệt là cuộc chiến mùa đông 1939-1940. Sau khi ký hiệp ước hòa bình, Helsinki duy trì lập trường trung lập cho tới gần đây.
“Chúng tôi phải chấp nhận rằng đó là một trong những cường quốc khu vực lớn nhất”, Henrik Meinander, một nhà sử học của Đại học Helsinki cho biết. “Nhưng chúng tôi tự hào rằng chúng tôi đã tránh được cảnh chiếm đóng. Đó là một cách tiếp cận thiết thực; chúng tôi hiểu phương Tây sẽ không bảo vệ chúng tôi. Và cách tiếp cận này vẫn được duy trì sau khi chúng tôi gia nhập EU”.
“Dù vậy, chúng tôi đã luôn chuẩn bị cho những điều tồi tệ hơn”, ông nói thêm.
Trên thực tế, các chuyên gia chỉ ra mặc dù sự trung lập, không liên kết quân sự đã là một phần cơ bản trong chính sách an ninh và đối ngoại của Phần Lan suốt 73 năm, trên thực tế, dường như cũng có những sự chuẩn bị từ trước, mở đường cho động thái mới.
“Rất nhiều hành động có chủ ý đã diễn ra kể từ những năm 1990 để biến khoảnh khắc này thành hiện thực”, bà Ålander nói.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin thông báo gia nhập NATO. Ảnh: Reuters. |
Quân đội Phần Lan, với sức mạnh chiến đấu gồm 280.000 quân và 900.000 quân dự bị, có khả năng tương tác, phối hợp quân sự cao với liên minh, cho phép gia nhập nhanh chóng khi thời điểm đến.
Ngay từ năm 1992, khi đang đàm phán để gia nhập EU, Helsinki đã mua 64 máy bay ném bom chiến đấu Hornet do Mỹ sản xuất, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nước này đang chuẩn bị theo cách nào đó, ông Meinander nói.
Nhưng “về mặt chính trị, văn hóa, biểu tượng, (gia nhập NATO) vẫn là một động thái lớn”, ông nói thêm.
Các chính trị gia Phần Lan đang nói về “khoảnh khắc thức tỉnh dân tộc”.
Ngay từ tháng 1, khi các lực lượng Nga tập trung đông đảo ở biên giới Ukraine, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin đã nói rằng "rất khó có khả năng" Phần Lan sẽ gia nhập NATO trong nhiệm kỳ của bà. Thế nhưng, khi quốc hội bỏ phiếu về vấn đề trên trong tuần này, chỉ có 8 trong số 200 nghị sĩ phản đối.
Một sự thay đổi mạnh mẽ trong công chúng đã mở đường cho bước ngoặt trên. Năm 2021, một cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ gia nhập NATO ở Phần Lan là 34%. Tuần trước, con số đã tăng lên mức 76%.
“Tôi nghĩ chúng ta có thể nói đó là một cơn địa chấn”, bà Ålander nói. “Chúng tôi đã chuẩn bị và từng nghĩ tới khả năng xảy ra. Nhưng tôi không nghĩ có ai đó có thể nói rằng đối với Phần Lan, đây không phải là một sự thay đổi lịch sử”.
Quyết định được thúc đẩy từ nước láng giềng
Về phía Thụy Điển, bà Gunilla Herolf, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện các vấn đề quốc tế Thụy Điển, cho biết sự thay đổi ở Stockholm cũng mang tính bước ngoặt không kém.
“Trước đó, chúng tôi đã duy trì một học thuyết trong suốt 200 năm”, bà nói. “Đó là một vấn đề lớn. Nó có ý nghĩa đối với người dân và còn là vấn đề xác định ‘bản sắc’”.
Trong quá khứ, bà cho biết khi nhắc về đất nước của mình, nhiều người Thụy Điển chỉ ra 3 điều nổi bật, đó là "săn nai sừng tấm, ăn cá trích lên men và không liên kết".
Tổng thống Joe Biden (giữa) tiếp đón Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson (phải) và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh: Reuters. |
Với việc Phần Lan đóng vai trò là vùng đệm trước Nga, Thụy Điển, quốc gia không tham chiến và không tham gia liên minh nào kể từ năm 1812, có thể tạo ra sự trung lập của mình theo các đường lối lý tưởng hơn.
“Chúng tôi được bảo vệ đằng sau Phần Lan, nơi mà không giống như chúng tôi, không bao giờ họ cảm thấy an toàn", bà Herolf nói. Vì vậy, trong hơn hai thế kỷ qua, đặc biệt là kể từ năm 1945, Thụy Điển đã tự tạo ra một môi trường đáng ghen tị cho mình: hòa bình, giải trừ vũ khí hạt nhân, hòa giải quốc tế, ủng hộ các nền dân chủ non trẻ trên toàn thế giới.
Điều đó đã trở thành một phần của hình ảnh quốc gia và đặc biệt là bản sắc của những thành viên đảng Dân chủ Xã hội - những người đã chiến thắng mọi cuộc bầu cử suốt 100 năm. Vì vậy, nhiều thành viên cánh tả vẫn lo ngại lệnh răn đe hạt nhân của NATO sẽ làm gia tăng căng thẳng, khiến Thụy Điển kém an toàn hơn.
Nhiều người ở Thụy Điển - nước hiện có khoảng 55% ủng hộ việc gia nhập NATO - còn do dự, cảm thấy quyết định được đưa ra quá vội.
“Tuy nhiên, chính quyết định nhanh chóng của Phần Lan đã phá vỡ cuộc tranh luận của Thụy Điển”, bà Ålander nói. “Thụy Điển không thể là quốc gia Bắc Âu duy nhất ngoài NATO”.
Do đó, cách tiếp cận cuối cùng là “chung tay” - cùng nhau tham gia, thừa nhận sự phụ thuộc về an ninh giữa các nước láng giềng và sự hợp tác bất chấp những câu chuyện quốc gia khác nhau.
Ở một mức độ nào, Phần Lan “sẽ cảm kích vì Thụy Điển, bất chấp những trở ngại về hệ tư tưởng, đã có bước đi này”, ông Meinander nói.