Chia sẻ với Zing, Robert Dalsjo - nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển (FOI) - cho biết việc gia nhập NATO sẽ mang lại cho Thụy Điển 3 lợi ích: Giữ vững quyền lực, uy tín và đảm bảo an ninh, trong đó có “lá chắn” hạt nhân.
“Tuy nhiên, những gì chúng tôi mất là quyền tự do tham gia, giành được ảnh hưởng chính trị quan trọng trong các vấn đề an ninh, và mất tư cách là bên hòa giải hiệu quả đối với các cuộc giao tranh quân sự quốc tế”, ông nói.
Thụy Điển cũng cần phải chấp nhận rằng NATO sẽ là một nhân tố mới cần tính đến trong kế hoạch phòng ngự trong tương lai, ông cho biết thêm.
Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào hôm 18/5. Lập trường trung lập và không liên kết quân sự của hai quốc gia này đã thay đổi sau khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự” ở Ukraine.
Để 2 nước này tham gia liên minh, họ cần nhận được cái gật đầu của tất cả 30 quốc gia thành viên. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không ủng hộ tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển bởi Ankara muốn hai nước Bắc Âu ngừng hỗ trợ các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ gọi là "khủng bố" hiện diện trên lãnh thổ của họ và dỡ bỏ lệnh cấm bán một số vũ khí cho nước này.
Việc NATO có thêm Phần Lan và Thụy Điển sẽ vẽ lại bản đồ địa chính trị tại Bắc Âu.
“Mặc dù tác động tức thời có thể dẫn đến leo thang căng thẳng hơn một chút, về lâu dài, điều này sẽ giúp khối tăng tính ổn định vì việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ loại bỏ một số yếu tố không chắc chắn và tăng sức răn đe trong khu vực”, nhà phân tích Dalsjo cho hay.
Tiến trình mở rộng về phía đông của NATO
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập vào năm 1949 bởi 12 quốc gia - Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh và Mỹ. Khối này nói mục đích thành lập là nhằm kiềm chế Liên Xô và khuyến khích hội nhập chính trị ở châu Âu sau Thế chiến II.
NATO tuyên bố liên minh nhằm đảm bảo các biện pháp phòng vệ chính trị và quân sự, đồng thời cho phép những quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ thảo luận về mối quan tâm an ninh.
Trong khi đó, những năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu NATO ngừng mở rộng về phía đông và chấm dứt hợp tác quân sự với Ukraine và Georgia - hai nước không phải là thành viên. Nga liên tục đổ lỗi cho phương Tây đã "không lắng nghe Moscow" và mở rộng về phía đông, gây sức ép cho nước này.
Bản đồ các quốc gia thành viên NATO và thời gian gia nhập. Đồ họa: Guardian. |
NATO từng có hành động quân sự nào?
Điều 5 nêu rõ nguyên tắc phòng thủ tập thể là cốt lõi của hiệp ước thành lập NATO. Điều khoản này có nghĩa là tấn công một nước đồng nghĩa tấn công tất cả thành viên.
Một số hoạt động quân sự đáng chú ý của NATO bao gồm chiến dịch phong tỏa hải quân và không quân trong chiến tranh Bosnia, kéo dài từ năm 1992-1995.
Năm 1999, NATO phát động chiến dịch không kích nhằm buộc nhà lãnh đạo Serbia Slobodan Milosevic rút lực lượng ra khỏi Kosovo và chấm dứt xung đột ở đó.
Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 trên đất Mỹ, NATO lần đầu tiên viện dẫn Điều 5, tham gia cùng lực lượng Mỹ và Vương quốc Anh để chống lại Taliban ở Afghanistan.
Trong cuộc chiến kéo dài 20 năm, 30 quốc gia thành viên NATO cùng đối tác đã đóng góp lực lượng cho các nhiệm vụ ở Afghanistan. Đỉnh điểm là vào năm 2011, gần 140.000 lính Mỹ và đồng minh đã đóng quân tại quốc gia này.
Trong suốt cuộc chiến tại Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần yêu cầu NATO thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine. Tuy nhiên, liên minh này đã bác bỏ bởi lo sợ sẽ leo thang thành xung đột toàn cầu.
NATO và CSTO
Đầu tuần này, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko kêu gọi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu đoàn kết sau khi Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO.
CSTO được thành lập vào năm 1992 khi Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan ký hiệp ước đầu tiên. Năm 1993, Azerbaijan, Belarus và Georgia tham gia. Hiệp ước có hiệu lực vào năm 1994.
Hiện nay, CSTO có 6 thành viên là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Điều 4 của CSTO quy định tương tự Điều 5 của NATO. Do đó, các quốc gia tham gia có thể hỗ trợ quốc gia bị xâm lược bằng các điều khoản như viện trợ quân sự.
Các nước thành viên NATO và CSTO. Đồ họa: Al Jazeera. |
Chi tiêu quân sự của NATO
Theo Statista, vào năm 2021, Mỹ - quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới - đã dành 811 tỷ USD cho quân đội, chiếm 3,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Ngân sách quân sự của các quốc gia thành viên NATO năm 2021. Đồ họa: Statista. |
Trong số các thành viên NATO, Anh là quốc gia chi tiêu quân sự cao thứ hai, với 73 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 2,29% GDP.
Năm 2020, Phần Lan chi 4,1 tỷ USD cho quân đội, tương đương 1,5% GDP, trong khi Thụy Điển bỏ ra 6,5 tỷ USD (1,2% GDP).
Tính riêng lực lượng vũ trang, Phần Lan có 280.000 quân, với 900.000 lính trong lực lượng dự bị và một phi đội máy bay chiến đấu F-18 do Mỹ sản xuất. Năm nay, nước này dự kiến đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO là 2% GDP.
Trong khi đó, Thụy Điển sẽ tăng đáng kể quy mô lực lượng vũ trang và đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng trong vòng vài năm. Stockholm còn có lợi thế trong công nghiệp vũ khí nội địa, đạt doanh thu 3,5 tỷ euro/năm.
Năm 2022, ngân sách quân sự của NATO đặt ở mức 1,64 tỷ USD. Các nước thành viên đóng góp vào ngân sách dựa trên tổng thu nhập quốc dân của mỗi nước.
Mỹ và Đức đóng góp tỷ lệ cao nhất, hơn 30% ngân sách quân sự của khối. Theo sau là Anh, Pháp và Italy, lần lượt chiếm 11,3%, 10,5% và 8,8%.
NATO được lợi gì sau khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập?
Quá trình xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển có thể mất tới một năm.
Biên giới trên đất liền của NATO với Nga sẽ tăng hơn gấp đôi nếu Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập liên minh. NATO hiện có chung đường biên giới trên đất liền dài 1.215 km với các quốc gia thành viên. Khi Phần Lan gia nhập NATO, con số này sẽ tăng lên 2.600 km.
Bên cạnh đó, theo ông Dalsjo, NATO cũng sẽ nhận được một số lợi ích chiến lược khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối.
Đầu tiên là uy tín chính trị. “Việc Thụy Điển và Phần Lan, những nước từng trung lập có uy tín, muốn gia nhập NATO sẽ là thành tựu đáng tự hào với khối”, ông nói.
Bên cạnh đó, hai nước Bắc Âu đều có nền dân chủ và trật tự kinh tế ổn định, cùng lực lượng vũ trang mạnh, hiện đại, có khả năng phối hợp tốt.
Quân đội của Thụy Điển và Phần Lan hầu hết tương thích với các tiêu chuẩn và trang thiết bị của NATO, một phần nhờ vào việc họ đã trở thành thành viên của Hiệp hội Đối tác vì Hòa bình (PfP), Đối tác Cơ hội Tăng cường (EOP) của NATO từ lâu và thường xuyên tham gia các cuộc tập trận của liên minh.
Khi gia nhập NATO, họ sẽ triển khai lực lượng hiện đại và được huấn luyện tốt tham gia các hoạt động của liên minh, đồng thời bổ sung thêm sức mạnh hải quân và không quân ở phía bắc.
NATO có thêm nhiều lợi ích sau khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập. Ảnh: Shutterstock. |
Cuối cùng, việc hai nước này vào khối sẽ giúp “đảm bảo khả năng tiếp cận lãnh thổ và không phận, làm cho khu vực Bắc Âu trở nên toàn vẹn và tạo điều kiện cho khả năng răn đe, phòng thủ”, theo ông Dalsjo.
Về mặt địa lý, cả Phần Lan và Thụy Điển đều có các đảo chiến lược ở biển Baltic, đồng thời việc gia nhập sẽ loại bỏ sự không chắc chắn của NATO trước đây về việc liệu có thể sử dụng không phận Thụy Điển để triển khai quân hoặc gửi tiếp viện đến khu vực Baltic hay không.
Tuy nhiên, chuyên gia Thụy Điển cảnh báo cả NATO và hai nước Bắc Âu sẽ phải đối mặt với thách thức trong những bước đầu làm quen với việc trở thành thành viên mới, cách liên minh hoạt động và tận dụng các cơ hội mà tư cách thành viên mở ra.
Bên cạnh đó, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga không có vấn đề gì với Phần Lan hay Thụy Điển, nhưng Moscow sẽ phản ứng trước việc NATO mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự tại hai nước này.
“Tôi dự đoán Nga có thể thể hiện sự bất bình bằng các hoạt động quân sự và cả một số biện pháp hỗn hợp (hybrid measures, như tấn công mạng), đồng thời cũng không thể loại bỏ khả năng xảy ra tấn công vũ trang”, ông Dalsjo nói
“Dù vậy, lực lượng của Nga đang tập trung ở Ukraine và Moscow có rất ít lực lượng để dự phòng”, ông chia sẻ thêm. “Nga có ít lợi ích khi mở rộng cuộc giao tranh với chúng tôi”.
Bosnia và Herzegovina, Georgia và Ukraine trước đây tuyên bố mong muốn gia nhập NATO. Tuy nhiên, sau hành động quân sự của Nga vào Ukraine, ông Zelensky thừa nhận vào tháng 3 rằng không còn khả năng Ukraine có thể gia nhập NATO.