Chiều 10/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Đề nghị của Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức tạo ra hai luồng ý kiến khác nhau giữa các đại biểu.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) dẫn tờ trình của Chính phủ giải trình lý do bỏ phương án kỷ luật giáng chức bởi hình thức này dễ dẫn đến tình trạng nể nang, không phù hợp với vị trí việc làm vì đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý.
Phiên họp Quốc hội chiều 10/6. Ảnh: Minh Quân. |
Ông Tám cho rằng giải trình như vậy tính thuyết phục chưa cao. Nếu vì lý do nể nang mà không áp dụng hình thức giáng chức thì đó là lỗi chủ quan của chủ thể có thẩm quyền và lỗi này có thể xử lý được.
Còn lý do vị trí đã được xác định đủ nên giáng chức không biết sắp xếp vào đâu, ông cho rằng vẫn có thể sử dụng người này vào vị trí chuyên viên.
Vì vậy, đại biểu tỉnh Kon Tum đề nghị nên giữ hình thức kỷ luật giáng chức, phù hợp với nguyên tắc "có lên, có xuống" trong công tác cán bộ.
Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định). Ảnh: Minh Quân. |
Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) cũng tán thành việc giữ hình thức kỷ luật giáng chức vì tính cần thiết, răn đe cao.
“Bỏ đi một hình thức sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm của cán bộ và không thể thực hiện được tính chính xác, công bằng và thuyết phục”, ông Nhất nói.
Ở quan điểm ngược lại, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại muốn bỏ kỷ luật giáng chức vì hình thức này có khả năng được áp dụng để bao che, cảm tính trong xử lý cán bộ vi phạm. Thời gian qua, hình thức này có áp dụng nhưng không nhiều. Như vậy, sẽ là không phù hợp nếu cán bộ bị kỷ luật nặng đến mức cách chức mà xử giáng chức vì nể nang, thiếu tính răn đe.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng nên bỏ giáng chức trước hết để đảm bảo tương ứng với 4 hình thức xử lý đảng viên.
Trong đảng có 4 hình thức xử lý gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Còn với công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý có 4 hình thức là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Minh Quân. |
Ngoài việc dễ dẫn tới nể nang, không đảm bảo tính nghiêm minh, hình thức kỷ luật giáng chức còn gây xung đột với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Hơn nữa, người bị xử lý kỷ luật giáng chức nếu vẫn công tác ở cơ quan cũ hay trong lĩnh vực chuyên môn cũ sẽ gây khó khăn cho lãnh đạo mới và thực thi nhiệm vụ tham mưu.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết qua báo cáo về xử lý cán bộ hàng năm, đến nay, Bộ Nội vụ chưa nhận được một hình thức nào xử lý giáng chức, chỉ có giáng cấp đối với lực lượng vũ trang.
Ông đề nghị các đại biểu nghiên cứu thêm để đóng góp để mang tính khả thi cao khi quy định vào luật.