Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hai cánh cửa sinh tử ở Kabul

Nhiều người Afghanistan cố thủ trong nhà vì sợ ra khỏi cửa sẽ là cái chết. Người liều lĩnh hơn cố vượt qua vòng kiểm soát của binh lính Taliban ở cổng sân bay Kabul để ra đi.

canh cong mo ra cai chet o Kabul anh 1

Zahra cố thủ trong căn hộ của cô ở Kabul, lo lắng nhìn qua cửa sổ và thấy các chiến binh Taliban ở bãi đậu xe bên dưới. Cô đã không dám ra khỏi nhà trong nhiều ngày.

Chỉ hai tuần trước, cô và người bạn Sara còn được uống rượu và cười đùa trong một bữa tiệc ở Kabul.

Kể từ khi Taliban tái chiếm Kabul vào ngày 15/8, hàng nghìn phụ nữ như Zahra và Sara đã phải đối mặt với quyết định khó khăn: ở lại hay ra đi.

Dù Taliban đã cam kết một chính phủ ôn hòa hơn, nhiều người lo sợ họ vẫn sẽ phải sống trong chế độ tàn bạo như cách đây 20 năm, khi phụ nữ bị cấm đi học và đi làm.

Hàng triệu người Afghanistan phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn. Với phụ nữ, rủi ro là rất lớn. Ở lại có thể đồng nghĩa với một cuộc sống lủi thủi, quanh quẩn trong nhà cả đời. Cố gắng chạy trốn có thể kết thúc bằng cái chết trên những con phố đầy biến động của Kabul, hoặc có được tự do nhưng không bao giờ gặp lại gia đình.

Bữa tiệc cuối cùng

"Mọi chuyện diễn ra quá bất ngờ", Zahra nói.

Khi Tabliban cai trị Afghanistan những năm 1996-2001, Zahra và Sara mới chỉ là những đứa trẻ. Sau sự can thiệp của Mỹ và đồng minh vào năm 2001, cả hai có được cơ hội đi du học. Họ trở về sau nhiều năm, với tham vọng biến quê hương trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho trẻ em gái và phụ nữ.

canh cong mo ra cai chet o Kabul anh 2

Mặt phụ nữ trên hình quảng cáo ở các tiệm làm đẹp ở Kabul bị bôi đen. Ảnh: AFP.

Khi họ gặp nhau tại bữa tiệc cách đây hai tuần, Taliban đã bắt đầu đánh chiếm nhiều thành phố, tỉnh lỵ, nhưng dường như các chiến binh này khi đó vẫn còn ở khá xa thủ đô. Họ và bạn bè muốn tận hưởng sự tự do khi còn có thể.

"Vài người bạn của tôi nói: 'Chúng tôi biết đây là bữa tiệc cuối cùng, vì vậy hãy tận hưởng'", Zahra nhớ lại.

Ngày 15/8, đường phố Kabul tắc nghẽn khi hàng nghìn người vội vã về nhà khi nghe tin các tay súng Taliban đang ở ngoại ô thành phố. Zahra đã xếp hàng hàng giờ để rút tiền mặt trước khi thành phố bị đóng cửa.

"Tất cả máy ATM đều hết tiền. Ai nấy đều hoảng loạn", Zahra nói với CNN 15/8.

Đến ngày 17/8, Sara và chồng đã thu dọn đồ đạc, mang theo hai ba lô đồ dùng và để phần tài sản còn lại cho người thân.

Bên ngoài sân bay, các chiến binh Taliban đang nỗ lực điều hướng giao thông và kiểm tra người muốn vào cảng hàng không.

Lúc 19h tối 17/8, Sara ước tính khoảng 3.000 người đã chen lấn để đến gần sân bay, nắm chặt bất kỳ giấy tờ nào mà họ nghĩ có thể thuyết phục Taliban cho họ qua cổng.

Nhiều người được yêu cầu về nhà, nhưng phần lớn không nghe theo và bỏ chạy.

Taliban bắt đầu nổ súng chỉ thiên, sau đó dùng roi quất vào người những ai vẫn chưa chịu nghe lời. "Anh chàng người Pháp ngồi bên cạnh tôi đã bị Taliban đạp lăn ra đất hai lần", cô nói.

"Không quan trọng nếu bạn có hộ chiếu Mỹ, là nhà ngoại giao, hay là quân nhân, bạn vẫn phải đi con đường đó. Không có con đường nào thoải mái đến sân bay”, Sara nói.

canh cong mo ra cai chet o Kabul anh 3

Người dân Afghanistan tập trung trên một đoạn đường gần khu vực quân sự của sân bay ở Kabul vào ngày 20/8, với hy vọng chạy trốn khỏi đất nước sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan. Ảnh: AFP.

Trong suốt 11 tiếng xuyên đêm, Sara và chồng xô đẩy trong đám đông. Họ từ chối về nhà và cố luồn lách để tránh bị đánh đập.

"Chúng tôi không muốn phải ở lại vì bị đánh. Trong các bộ phim chiến tranh, người ta chạy vội vào các ngóc ngách để sống sót. Đó chính là tình cảnh ở đây”.

“Cánh cửa có thể mở ra cái chết”

Zahra thức suốt đêm 17/8 trong căn hộ ở Kabul, chờ tin nhắn xác nhận đã lên máy bay từ Sara.

Cô đã không rời căn hộ của mình trong ba ngày, nhưng vẫn liên lạc với bạn bè. Vài người chia sẻ ảnh chụp qua cửa sổ nhà họ cho thấy các chiến binh Taliban đi lại bên ngoài.

"Thành phố bình lặng đến nỗi mọi người sợ hãi”, cô nói, trước khi mô tả hình dung của cô về tình hình hiện tại bằng một câu nói bằng tiếng Farsi có nghĩa là "sự im lặng trước cơn bão”.

Zahra đã nhìn thấy các chiến binh lấy ôtô của người dân, trước khi phó thủ lĩnh của Taliban Maulvi Mohammad Yaqub ra lệnh không được làm như vậy hoặc vào nhà dân.

Dẫu vậy, cô vẫn nghe về các báo cáo rằng Taliban lục soát nhà cửa để tìm kiếm nhân viên chính phủ, nhà hoạt động, nhà báo và những người có liên hệ với nước ngoài, bất chấp tổ chức này trước đó đã nói rằng sẽ ân xá cho những người từng ủng hộ Mỹ và đồng minh.

Vẫn chưa có ai đến cửa nhà của Zahra. Cô xem tin tức, nhưng giống như nhiều người trên thế giới, cô vẫn chưa biết rốt cuộc Taliban định cai trị Afghanistan như thế nào. Taliban khẳng định họ sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ, nhưng theo khuôn khổ của luật Hồi giáo.

canh cong mo ra cai chet o Kabul anh 4

Taliban được cho là đang săn lùng người của chính quyền cũ. Ảnh: AP.

"Cách giải thích của họ về các quy tắc và luật lệ Hồi giáo rất khác so với chúng tôi. Tôi cũng theo đạo Hồi, nhưng có lẽ là một người rất ôn hòa", Zahra nói.

Trong tuần qua, hàng loạt tin tức cho thấy cuộc sống dường như không khác mấy so với cách đây 20 năm. Nhiều phụ nữ và trẻ em gái không được phép đi làm và đi học, bị đánh đập vì không che chắn đủ kín hoặc không có người giám hộ nam giới đi cùng khi ra đường.

Trước khi Taliban tiếp quản, Zahra làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Bây giờ, cô không chắc liệu mình có thể tiếp tục công việc hay không. Cô cũng không rõ bản thân sẽ phải ở trong nhà bao lâu. "Không ai ra khỏi nhà của họ, cánh cửa có thể là mở ra cái chết”.

Khi người mẹ năn nỉ con bỏ xứ

Ngày 19/8, điện thoại của Zahra reo lên, thông báo có tin nhắn. Sara đã đến được Ba Lan.

Cô và chồng cùng vài chục người khác đã được một nhà báo người Ba Lan thuyết phục Taliban cho qua cổng sân bay Kabul.

Sara và chồng cô không có thời gian để rút tiền từ ngân hàng trước khi rời đi. Họ có 100 USD trong người và ít tài sản khác, cô nói.

Tuy nhiên, cô lo lắng nhiều hơn về mẹ mình, người vẫn ở Kabul. Bà quá ốm yếu để có thể chạy trốn lực lượng bảo vệ Taliban ở cổng sân bay.

canh cong mo ra cai chet o Kabul anh 5

Hàng trăm người tụ tập bên ngoài sân bay quốc tế của Kabul ngày 17/8. Ảnh: AP.

Sara nói: "Vào được cổng cực kỳ khó. Đó là thời điểm mà mọi người có thể bị giết hoặc chết vì các lý do khác, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, nhất là trẻ em".

Tính đến ngày 23/8, ít nhất 20 người đã thiệt mạng trong và xung quanh sân bay Kabul, Reuters trích dẫn các nguồn tin của NATO và quan chức Taliban.

Hai ngày sau khi Sara rời đi, Zahra quyết định hành động tương tự.

Mẹ cô đã thúc giục cô bỏ đi. Em gái của Zahra - vẫn đang tuổi thiếu niên - đã đi trước với sự chúc phúc của mẹ.

Zahra gom đồ và đến sân bay với hy vọng chen chân lên được chuyến bay hiếm hoi để rời đất nước. Thế nhưng khi đến nơi, cô gần như không thể tiếp cận cổng sân bay vì lượng người quá đông.

Cô miễn cưỡng về nhà hôm đó và thử lại vào ngày 20/6.

Sara nhận được tin nhắn cuối cùng từ Zahra khi đồng hồ bắt đầu điểm sang ngày 21/8, giờ Kabul. "Cô ấy đang ở sân bay. Tôi nghe nói rằng cô ấy có thể được đi sớm”, Sara nói.

Đám đông chen lấn lên máy bay ở Kabul Vào sáng 16/8, sân bay ở Kabul, Afghanistan rơi vào hỗn loạn khi đám đông chen lấn để tìm cách lên máy bay sau khi Taliban tràn vào thủ đô.

Những bất ổn nào xảy đến khi Taliban hoàn toàn kiểm soát Afghanistan?

Việc Taliban kiểm soát Afghanistan có nguy cơ thổi bùng làn sóng bất ổn và sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố, Hồi giáo cực đoan, từ đó đe dọa hàng loạt quốc gia trong khu vực.

Máy bay quân sự Mỹ chở kỷ lục 823 hành khách rời Afghanistan

Thông tin máy bay C-17 của Mỹ chở 640 hành khách rời Afghanistan đã gây chấn động hồi đầu tuần. Tuy nhiên, số hành khách thực tế trên chuyến bay này thậm chí còn cao hơn nhiều.

Hồng Ngọc

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm