Hạ viện Mỹ thông qua lệnh cấm hoặc buộc TikTok bán mình. Ảnh: Reuters. |
Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật, buộc công ty mẹ ByteDace phải thoái vốn khỏi TikTok, trong vòng 6 tháng. Nếu doanh nghiệp không thực hiện, mạng xã hội chia sẻ video ngắn sẽ bị xóa sổ tại nước này. Dự luật được thông qua tại Hạ viện Mỹ với tỷ lệ 352 phiếu thuận, 65 phiếu chống. Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ ký thành luật nếu nó được quốc hội thông qua.
Nhà chức trách Mỹ lo ngại TikTok và công ty mẹ ByteDance có thể đưa dữ liệu nhạy cảm của người dùng - như thông tin về vị trí - cho chính phủ Trung Quốc.
Người phản đối đạo luật biểu tình trước Điện Capitol. Ảnh: Reuters. |
Họ chỉ ra rằng luật cho phép chính phủ Trung Quốc bí mật thu thập dữ liệu từ các doanh nghiệp và công dân, nhằm phục vụ các hoạt động tình báo. Điều này dẫn đến lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng tính năng đề xuất nội dung của TikTok để cung cấp thông tin sai lệch.
Phía TikTok khẳng định họ không lưu trữ thông tin người dùng Mỹ ở máy chủ Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó không giúp dập tắt được lo ngại từ các nhà lập pháp.
Thực tế, đạo luật bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát, sẽ phạt các chợ app và web phân phối nếu họ cung cấp TikTok. Điều kiện để cấm là mạng xã hội còn thuộc sở hữu từ một công ty Trung Quốc. Đạo luật hiện có tên ByteDance, nhưng cũng có thể áp dụng cho các ứng dụng truyền thông mạng xã hội khác, thuộc công ty có trụ sở đặt tại quốc gia đối thủ của Mỹ.
Vẫn có một nhóm lớn phản đối quy định nói trên. Những người dùng trung thành của TikTok đã gọi điện lên Văn phòng Quốc hội Mỹ trước cuộc bỏ phiếu. Cựu Tổng thống Donald Trump cũng không ủng hộ đạo luật ByteDance. Ông cho rằng việc loại bỏ TikTok sẽ chỉ có lợi cho Meta.
Trước giờ bỏ phiếu, các nhà lập pháp đã có cuộc tranh luận sôi nổi ngay tại Hạ viện. Nhóm ủng hộ nhấn mạnh rằng đây không phải lệnh cấm TikTok hoàn toàn. Nó sẽ thúc đẩy ByteDance thoái vốn khỏi nền tảng, nhằm tách rời mối quan hệ với Trung Quốc.
Đây không phải lần đầu việc cấm TikTok được nêu ra trước lưỡng viện Mỹ. Tuy nhiên, những nỗ lực trước đó đều không hiệu quả. Hồi tháng 3/2023, CEO Shou Zi Chew lần đầu ra làm chứng tại Hạ viện. Ông nhận phải sự chỉ trích từ nghị sĩ lưỡng đảng. Nhưng Đạo luật hạn chế cuối cùng không được thông qua.
The Verge cho rằng đây là thời điểm đặc biệt khó khăn để thông qua lệnh cấm TikTok. Các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, đều sử dụng mạng xã hội này để truyền tải thông điệp của họ đến cử tri trẻ. TikTok hiện có 170 triệu người dùng tại Mỹ.
Thực tế, cả chính quyền Biden và Trump đều có những hành động liên quan đến lệnh cấm hoặc buộc TikTok phải bán mình trong quá khứ. Nỗ lực ban hành lệnh cấm của ông Trump hồi 2020 thất bại khi vấp phải các rào cản pháp lý. Sau khi nhậm chức, ông Biden đã thu hồi sắc lệnh và thay thế bằng những quy định mới. Nó tạo ra một khuôn khổ để xác định những rủi ro an ninh quốc gia của những app có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.