Hạ viện Mỹ hôm 15/12 đã thông qua dự luật cho phép Puerto Rico tổ chức trưng cầu dân ý có giá trị ràng buộc. Ảnh: AP. |
Dự luật thông qua với tỷ lệ 233 phiếu thuận và 191 phiếu chống, với một số thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ, AP đưa tin. Dự luật sẽ cho vùng lãnh thổ Puerto Rico ba lựa chọn: Trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ, quốc gia độc lập hoặc chính phủ độc lập liên kết với Mỹ.
Theo New York Times, đây là lần đầu tiên các nhà lập pháp bỏ phiếu yêu cầu chính phủ liên bang tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý. Dự luật này cũng đưa ra các quy trình thực thi kết quả trưng cầu dân ý có giá trị ràng buộc này và thiết lập chiến dịch giáo dục cử tri về các lựa chọn.
Election Buddy định nghĩa nếu cuộc trưng cầu dân ý có giá trị ràng buộc (binding referendum), kết quả cuối sẽ được thực hiện. Còn với trưng cầu dân ý không ràng buộc, kết quả có thể chỉ mang tính tham khảo.
“Cuộc bỏ phiếu lịch sử hôm nay là bước quan trọng đảm bảo tương lai của Puerto Rico là do chính họ lựa chọn”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết. “Với Đạo luật Địa vị Puerto Rico, thành viên Dân chủ tại Hạ viện tự hào bỏ phiếu phá bỏ những dấu tích của chủ nghĩa thực dân”.
Puerto Rico là lãnh thổ Mỹ kể từ năm 1898. 3,3 triệu dân Puerto Rico là công dân Mỹ nhưng không có đại diện bỏ phiếu trong Quốc hội và không thể bỏ phiếu bầu cử tổng thống.
Người Puerto Rico tìm kiếm quyền tự quyết lớn hơn trong nhiều thập niên, nhưng cũng có nhiều ý kiến chia rẽ sâu sắc. Ba đảng lớn với 3 ý kiến khác nhau: Ủng hộ tách khỏi Mỹ, ủng hộ thành tiểu bang và ủng hộ duy trì khối thịnh vượng chung với Mỹ.
Puerto Rico đã tổ chức 6 cuộc trưng cầu dân ý liên quan tới việc trở thành tiểu bang, với lần gần nhất là năm 2020 với 52% tán thành. Tuy nhiên, chưa có cuộc trưng cầu dân ý nào mang tính ràng buộc và thường có tỷ lệ bỏ phiếu thấp.
Dự luật hôm 15/12 sẽ gửi lên và cần Thượng viện Mỹ thông qua.
Tiết lộ về tổng thống Mỹ
Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.