Sau thành công của Hà Nội quán xá phố phường, nhà văn Uông Triều tiếp tục khám phá những ngõ ngách, dấu tích nghìn năm của thành phố trong Hà Nội dấu xưa phố cũ.
Ở đó, Hà Nội hiện lên với tất cả những điển hình của một thành phố: Lịch sử lâu đời, vẻ đẹp, tĩnh lặng và ồn ào, bụi bặm và thướt tha… Mỗi trang viết đều gợi dư vị thương nhớ, chút cảm thông, một vùng dĩ vãng, những giao thoa với đời sống hiện đại.
Tác giả trò chuyện về tác phẩm mới của mình, cũng như văn hóa Hà Nội.
Sách Hà Nội dấu xưa phố cũ. |
"Khi viết, tôi phải quên các vị tiền bối"
- Sau ẩm thực Hà Nội, điều gì khiến anh tiếp tục khám phá phố phường trong "Hà Nội dấu xưa phố cũ"?
- Hà Nội là một chủ đề hấp dẫn đối với tôi. Sau cuốn sách trước, tôi vẫn quan tâm lớn về phố xá nhưng tôi đã đi sâu hơn, trầm tĩnh hơn và khái quát thêm những mảng khác như đền chùa, mùi của phố, âm thanh của phố, Hà Nội mưa, Hà Nội trên cao…
- Các nhà Hà Nội học, những cây đa cây đề làng văn để lại nhiều trang viết hay về Hà Nội. Anh gặp áp lực gì khi viết về phố phường nghìn năm văn hiến?
Nếu cứ nghĩ đến những người đã thành danh về Hà Nội thì không ai dám viết nữa nhưng tôi có cách tiếp cận của riêng mình. Mỗi người có một không gian khác nhau. Nói thực khi tôi viết, tôi quên hết các vị ấy để tự do suy tưởng và sáng tạo.
- Sách của anh có gì khác biệt với những trang văn của các bậc tiền bối từng viết về Hà Nội?
- Những người đi trước như Thạch Lam, Vũ Bằng thường thiên về cảm xúc, những cảnh đời nghèo khó của Hà Nội xưa.
Cuộc sống Hà Nội ngày nay rất khác, khác xa 70, 80 mươi năm về trước, thậm chí 20 năm trước đã quá khác biệt. Hà Nội bây giờ có nhiều thứ xưa không có và ngược lại.
Tôi tin rằng mình không trùng lặp với người xưa, vả lại, tôi có cách viết của riêng tôi, vẫn có cảm xúc nhưng nhấn mạnh hơn về những thứ hiển hiện, cuộc sống hiện đại và những bộn bề của nó.
- Anh đã đi thực địa, khảo tư liệu ra sao để viết sách?
- Đi khảo sát thực địa là một trong những việc mệt nhất khi viết cuốn sách này. Hà Nội đường đông, chật chội, nóng bức. Tôi thường chọn mùa thu mùa đông để đi khảo sát, đây cũng là hai mùa đẹp nhất của Hà Nội.
Tôi đi bộ rất nhiều để nhìn ngắm quan sát. Những ngày mát trời tôi có thể đi đến 5 km trong phố. Vừa đi, vừa ngắm, quan sát và ghi chép.
Nếu muốn khám phá thành phố này kĩ lưỡng bằng cách đi bộ thì phải vài năm mới hết. Đi xe thì không nhìn, không xem kĩ được và không thú bằng. Khám phá Hà Nội hay nhất là đi bộ.
Còn về sách, tôi có chừng 50 cuốn viết về Hà Nội. Đề tài Hà Nội, các tư liệu sách cũng giúp ích tôi rất nhiều, đặc biệt là cuốn Hà Nội đầu thế kỉ XX của Nguyễn Văn Uẩn là một cuốn rất quan trọng mà tôi nghĩ tác giả và cuốn sách chưa được tôn vinh đúng mức.
Nhà văn Uông Triều. |
Đi tìm dấu tích còn bị đuổi vì tưởng là kẻ trộm
- Quá trình viết sách, anh có bắt gặp những di tích, nét văn hóa đẹp xưa mà nay không còn?
- Nhiều lắm, khi tôi gặp nguồn sử liệu ghi rằng có cái này, cái kia ở chỗ ấy nhưng đến thì không còn một dấu tích. Thậm chí hỏi quanh cũng không ai biết.
Buồn nhất là nhiều di tích xưa đã thành nhà dân, bên trong không còn dấu vết gì nữa, duy nhất còn đúng một cái cổng để hồi tưởng, luyến tiếc. Nhiều khi tôi đi dò tìm những di tích cũ còn bị người ta đuổi ra vì tưởng kẻ trộm đến dò la.
"Bây giờ gặp một người Hà Nội thanh lịch rất hiếm, lắm lúc họ thô tục hơn người nông thôn rất nhiều".
- Ngược lại, bắt gặp những di tích, di sản xưa vẫn được lưu giữ, cảm xúc của anh ra sao?
- Tôi rất vui mừng khi gặp những di tích còn nguyên vẹn. Tôi nghĩ Hà Nội muốn giữ được vẻ đẹp và sự hấp dẫn của mình, cần phải giữ gìn những di sản xưa. Tôi thấy đáng giá nhất, nhiều nhất của Hà Nội bây giờ là những biệt thự Pháp cổ điển, những ngôi nhà xưa trong khu phố cổ.
Tôi thấy nhiều biệt thự còn đẹp nhưng nhiều nơi cũng xuống cấp, do sử dụng chung và hầu như không có ai quản lí. Nếu Hà Nội không còn biệt thự cổ, không còn cây xanh thì không còn là Hà Nội nữa.
- Trong các trang viết của những nhà văn đương thời, Hà Nội có phần xô bồ, nhếch nhác. Cảm quan của anh về Hà Nội hiện nay ra sao?
- Hà Nội bây giờ vừa đáng yêu vừa bực mình. Cơ bản thì hai phần này ngang bằng nhau. Thứ đáng yêu là phần nào giữ được những biệt thự Pháp, phố cũ, cây cối.
Đáng bực là thành phố quá xô bồ, nhếch nhác, đông nghịt, người chửi tục... Bây giờ gặp một người Hà Nội thanh lịch rất hiếm, lắm lúc họ thô tục hơn người nông thôn rất nhiều. Cứ vào khu buôn bán, phố cổ và quan sát một vài người nói chuyện với nhau sẽ thấy.
Nhưng dù sao Hà Nội vẫn có những đặc điểm riêng không đô thị nào có được. Hà Nội không quá ồn ào như Sài Gòn, không quá tĩnh lặng như Huế, không buồn như Đà Lạt. Hà Nội là một thứ gì đó gần giao điểm với những đô thành trên, lắm lúc thấy nó thật đáng ghét nhưng đi xa thì lại nhớ.
- Sau 2 cuốn sách về Hà Nội, anh có dự định gì tiếp theo với chủ đề này?
- Chắc chắn tôi sẽ có một cuốn nữa, cuốn này thì đi vào Hà Nội đương thời và những con người cụ thể. Tôi sẽ tạo ra những bức tranh về những góc phố, con đường tôi quen thuộc, những người đang sống ở đó và những bạn bè văn chương của tôi.
Tôi sẽ ghi lại đúng cái khoảnh khắc này, đúng cái thời vừa xô bồ hỗn tạp vừa thiết tha, trìu mến.