Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội xem xét cho công viên Thiên Văn Học hoạt động

Phó chủ tịch UBND Hà Nội cho biết dù việc xây dựng công viên Thiên Văn Học là không phù hợp với quy hoạch, thành phố vẫn xem xét cho dự án này vận hành thay vì phá dỡ.

Dự án công viên Thiên Văn Học (quận Hà Đông) có chủ đầu tư là tập đoàn Nam Cường. Ảnh: Việt Linh.

Chiều 14/10, HĐND Hà Nội khóa XVI tổ chức phiên họp giải trình về quản lý đầu tư, xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn.

Tại đây, vấn đề chậm triển khai công viên trong khu đô thị, thiếu trường học công lập ở quận Hoàng Mai, một số dự án nhà ở chưa hoàn thiện hệ thống thoát nước, đường xá nhưng đã đưa người dân vào sinh sống... được nhiều đại biểu đặt câu hỏi.

Rút kinh nghiệm từ việc phá dỡ công viên Thanh Hà

Giải trình tại phiên họp, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết Hà Nội còn nhiều hạng mục về hạ tầng kỹ thuật xã hội, cấp thoát nước, rác thải, cây xanh thuộc khu đô thị chưa được bàn giao hoàn chỉnh cho các cấp của thành phố quản lý. Việc này khiến chất lượng sống của người dân bị ảnh hưởng.

Ông Tuấn cho biết trong thực tiễn, nhiều chủ đầu tư đã làm tốt việc đáp ứng hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ với hạ tầng nhà ở, trong đó có các khu đô thị Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Trung Hòa - Nhân Chính, Tây Hồ Tây, Nam Thăng Long...

Bên cạnh đó, 15 khu đô thị mới chưa thể thực hiện việc này.

Ông Tuấn lấy ví dụ về công viên Thiên Văn Học do chủ đầu tư là tập đoàn Nam Cường xây dựng và cho biết nhiều người đặt câu hỏi vì sao công viên hoàn thành xong mà không đưa vào khai thác.

"Thực tế, việc đầu tư xây dựng công viên Thiên Văn Học hoàn toàn sai với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của khu đô thị mới Dương Nội. Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan đang xử lý các vấn đề liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng ở dự án này", ông Tuấn thông tin.

Lãnh đạo Hà Nội cũng cho biết rút kinh nghiệm từ vụ việc công viên Thanh Hà của tập đoàn Mường Thanh bị tháo dỡ hoàn toàn sau khi sai phạm, thành phố sẽ cân nhắc phương án giải quyết với công viên Thiên Văn Học.

Theo đó, thành phố giao Sở Quy hoạch Kiến trúc kiểm tra trực diện việc xây dựng công viên trên thực tế có phù hợp hay không.

"Nếu một số hạng mục không phù hợp với quy hoạch nhưng tổng thể cảm thấy phù hợp thì vẫn đưa vào sử dụng. Hy vọng thành phố sớm giải quyết được vấn đề pháp lý và đưa công viên vào vận hành", ông Tuấn nói.

Theo ông, sau khi đưa vào sử dụng, chủ đầu tư sẽ phải bàn giao lại công viên cho thành phố quản lý. Người dân có thể hưởng lợi trực tiếp từ dự án này, thay vì việc phải trả tiền để vào tham quan một số điểm trong công viên.

Kiên quyết rút giấy phép nhà đầu tư kém chất lượng

Tại phiên giải trình, đại biểu Nguyễn Đình Sơn (Quốc Oai) cho biết theo quy định, chủ đầu tư phải hoàn thành các hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội thì mới được đưa người dân về ở.

Nhưng thực tế, một số khu đô thị đưa người dân về sinh sống trong khi chưa hoàn thành các hạng mục liên quan.

"Đề nghị Sở Xây dựng cho biết kết quả kiểm tra giám sát việc thực hiện quy định trên và việc giải quyết, xử lý các chủ đầu tư vi phạm", ông Sơn đặt câu hỏi.

cong vien Thien Van Hoc anh 5

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong giải trình về việc xử lý các chủ đầu tư không đáp ứng tiến độ triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật, xã hội trong khu đô thị. Ảnh: Thanh Hải.

Trả lời, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết với các khu nhà ở, khu đô thị có thời gian đầu tư kéo dài, việc người dân muốn sớm tiếp nhận nhà để về ở là nguyện vọng chính đáng.

Vì vậy, nhiều dự án đưa người dân vào sinh sống trong khi điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, xã hội như trường học, trạm y tế chưa được đầu tư đồng bộ.

Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2012-2015, đơn vị kiểm tra 120 khu đô thị và nhà ở. Qua đó, đơn vị nhận thấy chỉ có khoảng 40% chủ đầu tư thực hiện các dự án và hạ tầng một cách đồng bộ, còn lại 60% là chậm.

"Nguyên nhân của việc chậm trễ chủ yếu đến từ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, điều chỉnh theo quy hoạch hoặc nhiều dự án đã hoàn thành xong nhưng không bàn giao công trình hạ tầng cho thành phố quản lý", ông Phong nói.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thời gian qua, đơn vị đã giao thanh tra tăng cường phối hợp với các đơn vị, kiểm tra 97 khu đô thị. Tổng số tiền xử phạt là 3 tỷ đồng, với các vi phạm chủ yếu ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đấu nối hệ thống hạ tầng.

Thời gian tới, để hạn chế các vi phạm với những khu đô thị, dự án nhà ở mới, Sở sẽ tham mưu thành phố đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lựa chọn nhà đầu tư.

"Nhà đầu tư nước ngoài rất bài bản, cơ bản đầu tư xong hạ tầng thì mới triển khai nhà ở và kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư chỉ ưu tiên phát triển nhà ở, không quan tâm hạ tầng", ông Phong nhận định.

Tổng hợp lại các ý kiến của sở ngành, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết công tác giám sát các vấn đề về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội trong khu đô thị và nhà ở còn nhiều vấn đề.

"Một phần nguyên nhân là UBND quận, huyện và sở, ngành tham mưu có sự buông lỏng, chung quy lại là trách nhiệm của UBND thành phố. Chúng tôi nhận trách nhiệm và sẽ có các giải pháp trong thời gian tới", Chủ tịch Hà Nội nói.

Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh việc thành phố cần tập trung xây dựng kế hoạch, khắc phục tồn tại hạn chế, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan vấn đề trên. Kế hoạch phải hoàn thành trong tháng 11.

HĐND Hà Nội cũng yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành và địa phương tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Với các chủ đầu chây ì, năng lực kém, thành phố kiên quyết thu hồi giấy phép thực hiện dự án để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư khác.

Khởi công từ quý II/2017, Công viên Thiên văn học là hạ tầng nằm trong khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông) do tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư. Với tổng diện tích là 12 ha, dự án được quảng bá xây dựng theo chủ đề thiên văn với quảng trường hệ mặt trời, vườn hoa dải ngân hà...

Hiện, các hạng mục tại công viên cơ bản hoàn thành nhưng dự án chưa thể đưa vào khai thác, sử dụng.

cong vien Thien Van Hoc anh 6

Công viên Thiên Văn Học nằm trong khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông. Ảnh: Google Maps.

Hà Nội nghiên cứu làm metro Nội Bài - Ngọc Hồi

Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội được giao phối hợp với đơn vị tài trợ để nghiên cứu về tuyến đường sắt đô thị số 6, nối Nội Bài và Ngọc Hồi.

Gia Lâm có thể thành quận vào năm 2023

Là một trong hai huyện được Hà Nội ưu tiên, tập trung nguồn lực phát triển, huyện Gia Lâm được yêu cầu phối hợp với đơn vị liên quan để thực hiện đề án lên quận năm 2023.

Hà Nội điều chỉnh lại giao thông trên tuyến Trường Chinh - Đại La

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết sẽ tháo dỡ toàn bộ rào chắn ở nút giao Ngã Tư Vọng - Giải Phóng, đồng thời duy trì rào chắn ở Trường Chinh và thêm ở Đại La.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm