Huyện Gia Lâm được Hà Nội tập trung nguồn lực, ưu tiên phát triển để phấn đấu lên quận vào năm 2023. Ảnh: Hồng Quang. |
Sáng 12/10, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm, trước kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV.
Tại đây, Bí thư Hà Nội cho biết cùng với Đông Anh, Gia Lâm là một trong hai huyện được thành phố ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng thành quận trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Do đó, lãnh đạo địa phương được yêu cầu chủ động phối hợp với đơn vị liên quan để thực hiện đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận và phấn đấu đáp ứng đủ điều kiện để trở thành quận năm 2023.
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm ngày 12/10. Ảnh: Đ.T. |
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thị Thanh Thu phản ánh về những bất cập xoay quanh quy định các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Theo bà Thu, trong khi quy hoạch về mật độ xây dựng và chỉ tiêu dân số thấp dẫn đến việc khai thác quỹ đất không hiệu quả, khó thu hút nhà đầu tư, việc bố trí mỗi khu đô thị 20% để xây dựng nhà ở xã hội sẽ dẫn đến tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, không đồng bộ.
Từ đó, cử tri kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, điều chỉnh quy định liên quan để bố trí xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung. Việc này nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tại các khu nhà ở xã hội.
Trả lời nội dung trên, Bí thư Hà Nội cho biết thành phố đã kiến nghị với Chính phủ về việc cho phép thực hiện dự án nhà ở xã hội một cách tập trung, thay vì đầu tư trên 20% phần đất của các khu đô thị.
Đồng thời, Hà Nội có chủ trương đầu tư bằng nguồn ngân sách cho phần hạ tầng xã hội các khu nhà ở để giảm giá cho người dân.
Bí thư Hà Nội nhắc về việc hầm chui Lê Văn Lương vừa thông xe đã ùn tắc. Ảnh: Hồng Quang. |
Nói thêm về cải cách thủ tục hành chính, ông Dũng cho biết thống kê cho thấy toàn thành phố có đến 1.900 thủ tục hành chính. Sau một năm tiến hành cải cách, thành phố đã tạo bước đột phá, phân cấp và ủy quyền với 634 thủ tục.
"Tôi trăn trở với câu nói 'Hà Nội không vội được đâu', nghĩa đen và nghĩa bóng đều có", ông Dũng nói và lấy dẫn chứng việc huyện Gia Lâm muốn xây một trường cấp 3 mà xin 3 năm vẫn chưa được.
Do đó, người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội cho biết việc cải cách thủ tục thời gian qua chỉ là bước đầu. Sắp tới, địa phương tiếp tục rà soát, ủy quyền mạnh hơn nữa cho cấp quận, huyện, thị xã.
Bên cạnh những nội dung đã làm được, ông Dũng cho biết thành phố còn nhiều bất cập tồn tại như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, cháy nổ... Việc thủ đô theo quy hoạch "hướng tâm" đã thu hút dân cư vào nội đô, nhưng đồng thời tạo ra những áp lực về hạ tầng kinh tế, xã hội.
Ông lấy dẫn chứng về việc vừa khánh thành hầm chui Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) nhưng tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra. Đồng thời, nhiều địa phương xảy ra tình trạng thiếu trường học, bệnh viện.
"Nếu không mở rộng đường vành đai để phát triển thì những vấn đề về hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường rất khó giải quyết", Bí thư Đinh Tiến Dũng nói.
Với quan điểm trên, thời gian qua, Hà Nội đã báo cáo để triển khai thực hiện tuyến vành đai 4 - vùng thủ đô và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức 87.000 tỷ đồng.