Sáng 11/1, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội khẳng định tuyến buýt nhanh sẽ được xây dựng dựa trên các thông số kỹ thuật của tuyến buýt số 1 Yên Nghĩa - Kim Mã.
Theo ông Hải, tuyến buýt số 2 có lợi thế là chạy trên tuyến đại lộ Thăng Long đường rộng, mật độ phương tiện lưu thông không cao. Trước đó, Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) đã đề xuất lên thành phố về việc mở rộng buýt nhanh số 2 này.
“Tại hội nghị tổng kết năm 2016 của Transerco, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã khẳng định thành phố chắc chắn sẽ có quyết định đầu tư, mở tuyến buýt nhanh số 2 trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc vận hành tuyến số 1 Kim Mã - Yên Nghĩa. Chúng tôi đang lên kế hoạch khảo sát, kiểm tra tuyến này rồi sẽ báo cáo thành phố”, ông Hải Nói.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội. Ảnh: Văn Chương. |
Theo ông Hải, buýt Kim Mã - Hòa Lạc được dự đoán sẽ có nhiều hành khách sử dụng. Bởi, tuyến đường này đi qua nhiều quận, huyện và khu công nghiệp ở Quốc Oai, Thạch Thất. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học, bệnh viện lớn cũng đang di chuyển về các huyện ngoại thành dọc tuyến buýt.
Theo dự kiến, tuyến buýt nhanh thứ 2 của Hà Nội dài hơn 35 km chạy qua các quận, huyện Ba Đình, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.
Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ khoa học, thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc (nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng) cho rằng dự án này sẽ hiệu quả. Từ Kim Mã đến Hòa Lạc đường thoáng và dễ đi. Buýt nhanh ở tuyến này sẽ góp phần đẩy nhanh việc giãn dân nội thành, giúp phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc và các huyện ngoại thành.
"Hiện nhiều trường đại học đang di chuyển ra ngoại thành. Buýt nhanh sẽ là phương tiện rất phù hợp với sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp", thiếu tướng Bắc nói.
Tuyến đường Kim Mã - Hòa Lạc dự kiến xây dựng tuyến buýt nhanh số 2. Ảnh: Google Maps.
|