Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Buýt nhanh Hà Nội đã chạy, buýt nhanh Sài Gòn còn trên giấy

Được nghiên cứu từ 2005, dự án buýt nhanh đầu tiên dự kiến khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2018 nhưng sau đó liên tục điều chỉnh thời gian thực hiện và đến giờ vẫn trên giấy.

Chiều 10/1, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (UCCI) cho biết dự kiến đầu năm 2020 sẽ đưa vào khai thác hệ thống buýt nhanh số 1. 

Theo quy hoạch, tuyến buýt nhanh BRT số 1 có lộ trình đi dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với chiều dài toàn tuyến là 23 km.

Tuyến BRT số 1 dự kiến dùng 28 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG), loại 80 chỗ và chạy trên làn đường riêng. Tại một số đoạn đường hẹp hay khi đi vào hầm Thủ Thiêm sẽ dùng chung làn với các loại xe khác.

buyt nhanh Sai Gon anh 1
Mô phỏng đồ họa trạm xe buýt nhanh số 1 trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1). Đồ họa: Sở GTVT TP.HCM. 

Tuyến BRT số 1 có điểm đầu tuyến tại bến xe miền Tây và điểm cuối tại ngã 3 Cát Lái (quận 2), đi qua huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 6, 5, 1 và quận 2.

Tuyến BRT số 1 giao cắt với các tuyến metro số 1, số 2, 3A và số 5. Toàn tuyến có 28 trạm dừng, 17 cầu đi bộ, 1 ga cuối tuyến, 1 bãi hậu cần kỹ thuật và 8 bãi gửi xe cá nhân.

Dự kiến, tuyến BRT số 1 sẽ có hệ thống giao thông thông minh (ITS), bao gồm hệ thống quản lý giao thông tiên tiến (tín hiệu giao thông thông minh, camera, hệ thống thông tin điện tử) và hệ thống vận hành quản lý xe buýt (hệ thống định vị toàn cầu, thiết bị giao tiếp).

Được nghiên cứu từ năm 2005, ban đầu, dự án tuyến BRT số 1 dự kiến sẽ khởi công trong năm 2014, hoàn thành vào năm 2018 nhưng sau đó liên tục điều chỉnh thời gian thực hiện và cho đến đầu năm 2017 vẫn còn trên giấy.

Do chậm triển khai nên kinh phí đầu tư đã đội lên mức 155 triệu USD (tương đương 3.247 tỉ đồng), trong đó vốn vay ODA là 142,2 triệu USD, vốn đối ứng là 13,6 triệu USD.

Theo Sở GTVT TP.HCM, nguyên nhân chủ yếu của việc chậm tiến độ do nhiều chuyên gia chỉ ra việc phát triển BRT tại TP.HCM gặp rất nhiều vướng mắc. Các tuyến đường hầu hết nhỏ hẹp, khó bố trí một làn đường dành riêng cho buýt.

Cuối năm 2016, một đoàn công tác Sở GTVT TP.HCM đã có chuyến công tác, tham quan học tập kinh nghiệm cách quản lý, vận hành hệ thống xe buýt nhanh ở Hà Nội. 

Dự kiến việc đưa xe buýt nhanh vào vận hành cùng với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM từ năm 2020. 

6 tuyến BRT tại TP.HCM

- Tuyến số 1: chạy dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với chiều dài gần 29 km.
- Tuyến số 2: Theo đường Nguyễn Văn Linh từ bến xe Miền Tây tới cầu Phú Mỹ, dài khoảng 24 km.
- Tuyến số 3: Dọc theo đường vành đai 2 từ ngã tư An Sương đến bến xe miền Tây mới có chiều dài khoảng 19 km.
- Tuyến số 4: Theo trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi từ đường Kha Vạn Cân đến công viên Chiến Thắng dài khoảng 14,5 km.
- Tuyến số 5: Theo trục đường Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong - nối dài ra đường Nguyễn Văn Linh từ ngã tư Bốn Xã đến đường Nguyễn Văn Linh dài gần 9 km.
- Tuyến số 6: Dọc theo đường Quang Trung, theo hướng tuyến Monorail số 3 dài khoảng 8,5 km.

Bạn đọc Zing.vn 'gỡ rối' cho buýt nhanh BRT

Bạn đọc Zing.vn cho rằng Hà Nội nên làm dải phân cách cứng, lắp camera hành trình trên tất cả các tuyến buýt nhanh BRT để ghi lại những trường hợp vi phạm giao thông.

Hoàng Bình

Bạn có thể quan tâm