Đây là kết quả việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 47 năm 2018 về thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại 30 huyện, quận, thị xã trên địa bàn Hà Nội.
Sau một năm triển khai (từ tháng 7/2019), 64.100 cơ sở đã được thanh tra, kiểm tra. Trong đó, đến 10.300 cơ sở vi phạm, số cơ sở bị phạt tiền là 5.350 (8,3%) với xấp xỉ 10,9 tỷ đồng.
Theo đơn vị chức năng, các lỗi vi phạm chủ yếu là nhân viên chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; vi phạm quy định về bảo quản thực phẩm; cống rãnh thoát nước khu vực chế biến ứ đọng, không kín.
Lực lượng chức năng cũng ghi nhận nhiều nơi không lưu mẫu thực phẩm, kiểm thực 3 bước; khu vực sơ chế, chế biến có côn trùng, động vật gây hại; nhãn mác chưa đầy đủ nội dung theo quy định.
So sánh với trước khi tiến hành thí điểm thanh tra (từ tháng 7/2018 đến tháng 7/2019), tỷ lệ trung bình các cơ sở vi phạm là tương đương (16%) nhưng số cơ sở vi phạm bị xử phạt tiền tăng lên (3,3% lên 8,3%). Số tiền phạt lớn hơn, đặc biệt với tuyến xã, phường.
Vấn đề vệ sinh, ATTP được dư luận đặc biệt quan tâm những ngày gần đây. Nhiều người tại một số địa phương sử dụng sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (trụ sở tại huyện Đông Anh, Hà Nội) phải nhập viện vì ngộ độc.
Đáng chú ý, theo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Hà Nội, tháng 5, đơn vị đã lấy mẫu để kiểm tra một số chỉ tiêu. Kết quả đều đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các chỉ tiêu phân tích.
Tuy nhiên, cuối tháng 8, cơ sở này bị xử phạt 17,5 triệu đồng và yêu cầu tạm đóng cửa do vi phạm một số quy định như người tiếp xúc với thực phẩm mà không đeo khẩu trang, sử dụng dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy, nhãn dán hàng hóa không đúng quy định.