Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hà Nội nhìn thấy trước thảm họa nhưng chưa có cách thoát'

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng thành phố đã nhìn thấy trước "thảm họa" nhưng không có cách nào thoát nếu thiếu tiền đầu tư.

Chiều 20/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nghị định thay thế Nghị định số 123 và 112 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù đối với Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết 5 năm trước, Hà Nội tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 9,2%, nhưng đầu tư vào hạ tầng chỉ 4%. Trong khi đó, việc di dân tự do của Hà Nội trung bình vẫn 1,4%, năm nay di dân tăng lên 1,9%.

"Tôi có báo cáo Bộ Chính trị là Hà Nội đang nhìn thấy thảm hoạ tiến dần phía mình mà không biết làm cách nào chạy thoát”, Bí thư Hà Nội nói. Ông Hoàng Trung Hải phân tích lâu nay cứ phê phán Hà Nội xây nhà cao tầng nhưng không xây thì không có chỗ cho dân ở.

"Để giải quyết nạn ùn tắc giao thông, Hà Nội đã quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm với chiều dài 300 km nhưng đến nay vẫn chưa làm được km nào. 100 tuyến xe buýt hiện nay thì có 73 tuyến phải trợ giá, mở ra 53 tuyến xe buýt trong thời gian tới phải tăng cường trợ giá vì người dân không đi”, ông Hải lo ngại.

Quy hoach tau dien ngam o Ha Noi anh 1
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. Ảnh: Bảo Lâm.

Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội đồng tình với những ý kiến của đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho rằng Hà Nội cần được xem xét, đánh giá và có những giải pháp thật sự đặc thù, nếu ban hành nghị định không có cơ chế gì hơn để ưu đãi cho Thủ đô thì tốt nhất không nên ban hành.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thấy rằng nghị định này vẫn có thể tạo ra một số cơ chế tạo điều kiện hơn cho Hà Nội phát triển.

“Một loạt dự án được Hà Nội đề nghị, trong đó có 8 tuyến tàu điện ngầm, mỗi tuyến khoảng 2 tỷ USD, hay các dự án ở báo cáo trước đây với tổng đầu tư lên tới 181.000 tỷ đồng, nếu Quốc hội không phê duyệt thì rất gay go. Quốc hội xem, duyệt cho dự án danh mục nào thì triển khai danh mục đó”, ông Hải bày tỏ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết vì cân đối ngân sách Trung ương rất khó khăn nên một số cơ chế đặc thù với Hà Nội cũng chưa thực hiện triệt để.

“Ngân sách Trung ương đến thời điểm này mới chỉ đạt hơn 83% kế hoạch. Trong vài năm tới tình hình vẫn rất khó khăn, khi lộ trình cắt giảm thuế quan, giá dầu như thế. Rất khó thưởng cho địa phương khi ngân sách trung ương hụt thu, không thể thưởng bằng tiền đi vay”, ông Dũng nói.

Sau khi nghe các ý kiến đại biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay ngân sách Trung ương hiện hết sức khó khăn. Ông đề nghị Chính phủ xây dựng nghị định phải bám sát Điều 74 Luật Ngân sách Nhà nước và Điều 21 Luật Thủ đô để giúp Hà Nội có lợi thế phát triển hơn.

Chi 55 triệu USD, buýt nhanh Hà Nội hơn buýt thường 5 phút

Mỗi giờ buýt nhanh sẽ vận chuyển được 1.800 lượt hành khách và rút ngắn thời gian di chuyển tuyến Yên Nghĩa – Kim Mã chỉ 5-10 phút so với buýt thường.



Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm