Chiều 19/12, phát biểu tại buổi họp báo về buýt nhanh Hà Nội, ông Vũ Hà, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư Phát triển Giao thông Đô thị, chia sẻ trong trường hợp ùn tắc, các phương tiện có thể chạy cùng làn với buýt nhanh để giải tỏa áp lực giao thông.
Tuy nhiên, nếu đường thông thoáng, các chủ xe vẫn cố tình đi vào làn buýt nhanh sẽ bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt tại chỗ hoặc phạt nguội.
Sẽ xử phạt các phương tiện cố tình vào làn ưu tiên buýt nhanh bằng camera. Ảnh: Tiến Tuấn - Lê Hiếu. |
Ông Hà cho biết tại các nút giao, nhà chờ đều lắp đặt hệ thống camera giám sát. Đây là căn cứ để lực lượng chức năng xử phạt nguội xe vi phạm qua hình ảnh.
“Ở làn đường dành cho xe buýt nhanh đều có biển cảnh báo. Phía dưới cũng có vạch sơn kẻ đường phân biệt làn dành cho buýt nhanh và phương tiện khác”, vị này nhấn mạnh.
Nói về tần suất hoạt động của buýt nhanh, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Đô thị, thông tin thời gian hoạt động của tuyến buýt BRT từ 5h sáng đến 22h tối. Tần suất hoạt động là 5-10-15 phút/lượt. Ngày thường sẽ có 356 lượt xe hoạt động và 264 lượt/ngày vào cuối tuần.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết mỗi giờ buýt nhanh sẽ vận chuyển được 1.800 hành khách. Ảnh: Văn Chương. |
“Buýt nhanh sẽ rút ngắn được thời gian đi lại tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã là 5-10 phút so với buýt thường. Theo tính toán, mỗi giờ buýt nhanh sẽ vận chuyển được 1.800 lượt khách, đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại trên tuyến”, ông Hải nói.
Ông Hải cho hay từ 1 đến 31/1/2017, hành khách đi lại bằng phương tiện buýt nhanh hoàn toàn được miễn phí vé. Đây được xem là động thái để thu hút, quảng bá người dân đến với loại phương tiện này. Xe buýt có khu vực dành riêng cho người sử dụng xe lăn.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoàng Hải thẳng thắn thừa nhận BRT Hà Nội còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, khi đi vào hoạt động chính thức (1/1/2017), buýt nhanh chưa đồng bộ các hạng mục theo tiêu chuẩn quốc tế.
Buýt nhanh sẽ rút ngắn được thời gian đi lại tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã là 5-10 phút so với buýt thường. Ảnh: Như Ngọc.
|
Tại các điểm chờ chưa có hệ thống soát vé tự động. Trong thời gian đầu, Tổng công ty Vận tải Hà Nội sẽ bố trí người trực tiếp bán vé cho hành khách.
“Sau khi hoạt động một năm, chúng tôi sẽ hoàn thiện, đồng bộ một số hạng mục đặc biệt là việc kiểm soát vé tự động”, ông Hải nói.