Quan điểm trên được ông Trần Hồng Hà đưa ra tại buổi thảo luận tổ sáng 11/6 về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Nhắc lại quan điểm của Bộ Chính trị “không chấp nhận hy sinh môi trường để phát triển kinh tế”, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng đất nước đang hội nhập sâu rộng, song cũng cần có sàng lọc để đón nhận nguồn vốn và công nghệ tiên tiến. Theo đó, không thể để công nghệ lạc hậu, dự án ô nhiễm vào Việt Nam.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định: "Không thể để công nghệ lạc hậu, dự án ô nhiễm vào Việt Nam". Ảnh: Đ.Trung. |
Đề cập cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Hà cho biết hiện chi phí cho việc này rất lớn nên luật này sẽ cắt giảm 40% thủ tục hành chính, tất nhiên không buông lỏng việc bảo vệ môi trường.
Thay vì quản lý tất cả như trước đây thì nay khoanh lại 17 nhóm lĩnh vực có tổng lượng thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao để đưa vào luật, từ đó quy định hậu kiểm thay cho tiền kiểm.
“Việc cắt giảm 40% thủ tục hành chính sẽ giảm được hàng chục nghìn tỷ đồng, đồng tời tập trung nhân lực để quản lý khoảng 5% doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao”, Bộ trưởng TN&MT nói.
Về tiêu chuẩn chất lượng, ông Hà cho biết luật quy định khung cho toàn quốc nhưng cũng đưa ra cơ chế địa phương dựa trên điều kiện, khả năng bị ô nhiễm để quyết định.
Từ thực tế đó, ông Hà khuyến khích các địa phương như Hà Nội có thể đưa ra quy chuẩn phương tiện, xe cộ cao hơn để giảm ô nhiễm môi trường.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đồng tình cần tăng cường công tác quản lý môi trường, vì đây là giải pháp đảm bảo phát triển bền vững, tránh lặp lại vết xe đổ của nhiều nước là sau khi kinh tế phát triển thì môi trường xuống cấp nghiêm trọng, đến khi cảnh báo lại không có điều kiện để xử lý.
“Một số nước xung quanh chúng ta đã phải trả giá đắt cho bài học về bảo vệ môi trường”, ông Thể nói.
Song tư lệnh ngành giao thông rất băn khoăn về quy định để Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn chất lượng môi trường đối với khí thải của phương tiện GTVT. Như vậy, ngành giao thông rất khó thực hiện bởi có những đặc thù riêng.
“Nếu giao cho Bộ TN&MT theo dự thảo luật thì Bộ TNMT căn cứ vào đâu? Không khéo chúng ta tự đưa ra các thông số không phù hợp với các tổ chức quốc tế. Từ tính đặc thù này, tôi kiến nghị việc ban hành quy chuẩn chất lượng môi trường đối với khí thải của phương tiện vận tải ôtô nên giữ theo Luật Giao thông đường bộ hiện nay”, ông Thể nêu quan điểm.
Theo dự thảo luật, việc sửa đổi lần này hướng đến mục tiêu phải kiểm soát phát thải của phương tiện giao thông, bao gồm cả cũ lẫn mới.
Một điểm mới quy định trong luật là Bộ TN&MT được giao ban hành quy chuẩn kiểm soát khí thải, lộ trình áp dụng với phương tiện giao thông, còn Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực thi thông qua quản lý hoạt động đăng kiểm.
Song thực tế, Bộ GTVT cũng đang muốn có được quyền ban hành quy chuẩn kiểm soát khí thải, lộ trình áp dụng với phương tiện giao thông. Vì vậy, Bộ trưởng TN&MT sẽ có cuộc làm việc với Bộ trưởng Giao thông Vận tải để thống nhất nội dung này.