Tham dự tại buổi giao ban Báo chí Ban tuyên giáo Thành ủy chiều 16/6, đại diện Sở Xây dựng, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội nhận được nhiều câu hỏi về hoạt động cắt tỉa cây, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Việc sử dụng thiết bị "siêu âm cây" để phát hiện sớm nguy cơ cây gãy, đổ, nhất là sau vụ việc thương tâm xảy ra ở TP.HCM làm một em học sinh tử vong cũng được đề cập.
Ông Hoàng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết tại khu vực công cộng thì cây xanh thuộc sở hữu của thành phố, dưới sự quản lý của Sở Xây dựng. Tuy nhiên, cây xanh trong các khu vực tư nhân, các cơ quan, trường học thì thuộc sở hữu các đơn vị đó.
Vì vậy, khi các đơn vị có yêu cầu, kiến nghị thì Công ty Cây xanh TP đến xem xét, kiểm tra mức độ an toàn. Từ đó, công ty có đề xuất cắt tỉa, hạ độ cao thậm chí chặt hạ đối với cây không đủ an toàn.
Ông Hoàng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Sơn Hà. |
Còn việc kiểm tra mức độ an toàn của cây xanh, ông Thắng cho hay có 3 phương pháp. Thứ nhất là dùng máy siêu âm để phát hiện thân cây có mục, ruỗng không; thứ hai là dùng máy scan để kiểm tra tình trạng rễ. Và thứ ba là sử dụng khoan thăm dò để kiểm tra. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa có ý định sử dụng thiết bị siêu âm cây lúc này.
Ông Nguyễn Xuân Hanh, Tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, cho hay hiện thành phố chưa cho triển khai thiết bị siêu âm cây xanh do chi phí quá cao mà không hiệu quả.
"Chúng tôi được thành phố cho đi học tập ở Singapore, tiếp cận máy siêu âm, nhưng họ chỉ dùng máy này để bảo tồn, duy tu cây cổ thụ. Máy này giá trị rất lớn, lên đến cả tỷ đồng", ông Hanh nói và cho hay việc xem xét, kiểm tra tình trạng cây hiện nay chủ yếu theo kinh nghiệm, bằng trực quan.
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Công ty Cây xanh TP cho biết đơn vị đã hoàn thành cắt tỉa 20.000 cây xanh trên địa bàn 12 quận, đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. Mục tiêu trong năm nay, đơn vị sẽ hoàn thành cắt tỉa khoảng 50.000 cây, trên 790 tuyến phố.
Việc cắt tỉa sẽ dựa vào các tiêu chí như sửa hạ độ cao an toàn, cắt lá, loại bỏ cành khô, chết; cành cây sâu, mục xòa vào nhà dân; ưu tiên cắt các cây có tán nặng, đường kính thân lớn, vướng đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông...