Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao TP.HCM không siêu âm 'bắt bệnh' cây xanh?

Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng thiết bị siêu âm cây không hiệu quả, đồng thời khẳng định cơ quan này không chủ trương chặt cây tràn làn hay đốn hạ cây trong sân trường.

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 4/6, báo chí đặt câu hỏi tình trạng và việc đầu tư máy siêu âm cây xanh tại TP.HCM.

Cụ thể, trước đây Công ty Công viên cây xanh TP.HCM từng dùng thiết bị có chức năng "siêu âm" để chẩn đoán bệnh cho cây xanh, tránh sự cố tai nạn. Tuy nhiên, sau đó, do những người biết cách sử dụng máy này nghỉ hưu hoặc qua đời nên thiết bị này bị "trùm mền" nhiều năm qua.

Trả lời vấn đề này, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết khẳng định sở xây dựng không có kế hoạch đầu tư thiết bị này trong tương lai. Ông Khiết cho biết qua báo cáo của các đơn vị chức năng chưa ghi nhận được tính hiệu quả của thiết bị siêu âm cây này.

Ông Khiết cho biết hiện, các đơn vị trong thành phố chủ yếu kiểm tra, quản lý cây xanh thông qua quan sát thực tế, tùy theo mức độ sâu hại sẽ xử lý. Còn thiết bị siêu âm này chưa chứng minh được hiệu quả.

"Việc cây xanh đổ trong trường Bạch Đằng là sự việc đáng tiếc. Nhưng chủ trương của Sở Xây dựng không phải đốn hạ toàn bộ cây xanh trong sân trường", lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định.

Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết sở đã có công văn yêu cầu, hướng dẫn các đơn vị kiểm tra toàn bộ hệ thống cây trong các khuôn viên, không chỉ trường học. Qua trực quan, sẽ kiểm tra khả năng ngã đổ, sâu hại, qua đó có phương án mé nhánh, tỉa cành, chống đỡ để đảm bảo an toàn.

quan ly cay xanh TP.HCM anh 1

Sở Xây dựng khẳng định không chủ trương chặt cây tràn lan. Ảnh: Quang Anh.

Trao đổi với Zing, ông Trần Thiện Hà (Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam, nguyên Giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP.HCM) siêu âm là một trong những giải pháp hiệu quả để "bắt bệnh" cây xanh.

"Nếu siêu âm có thể biết độ rỗng của thân cây để thay thế các cây có khả năng gãy đổ", ông Hà kiến nghị và cho biết trước đây Công ty Công viên cây xanh cũng từng thử nghiệm giải pháp này để độ an toàn của từng loại cây. Tuy nhiên, việc siêu âm toàn bộ cây trong thành phố là khá khó khăn, chỉ nên dùng trong trường hợp nghi ngờ.

Trước đó, sáng 26/5, cây phượng tại khuôn viên trường THCS Bạch Đằng (phường 14, quận 3, TP.HCM) bất ngờ bật gốc, đè trúng 18 học sinh. Trong đó, một học sinh không may thiệt mạng, 17 em khác bị thương.

Ngày 27/5, Sở Xây dựng phối hợp với Công ty Công viên Cây xanh đã đốn hạ cây phượng còn lại trong khuôn viên trường THCS Bạch Đằng để đảm bảo an toàn. Sau sự việc, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn yêu cầu rà soát, kiểm tra toàn bộ cây xanh trong thành phố, đặc biệt là trường học.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng chỉ đạo các đơn vị cần yêu cầu cơ quan có chuyên môn kiểm tra chất lượng cây và chỉ đốn bỏ những cây nguy hiểm, không chặt cây bừa bãi.

Cây bật gốc, đổ vào nhà dân sau cơn mưa ở TP.HCM

Cơn mưa lớn kèm theo gió mạnh đã quật đổ một cây xanh trên đường Hòa Hảo (quận 10, TP.HCM), phần ngọn cây đổ đè vào 2 căn nhà của người dân địa phương.

Dự án giao thông điều chỉnh liên tục, người dân phải di dời 2-3 lần

HĐND TP.HCM bức xúc vì nhiều dự án giao thông trọng điểm kéo dài, gây khó khăn cho người dân nhưng lại có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các sở, ban, ngành.

Thu Hằng - Quang Huy

Bạn có thể quan tâm