Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, cho biết để triển khai thực hiện tuyến đường vành đai 4 vừa được Quốc hội thông qua về chủ trương, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu thành lập ban chỉ đạo với cơ cấu gồm 3 tổ.
Các tổ này do lãnh đạo Thành ủy, UBND Hà Nội làm tổ trưởng gồm: Tổ liên quan công tác xây dựng, tổ liên quan công tác giải phóng mặt bằng và một tổ triển khai dự án này.
"Vành đai 4 là tuyến liên vùng đầu tiên của Hà Nội và có ý nghĩa lớn, nên để tập trung chỉ đạo thì Bí thư Thành ủy đã phân công cho UBND thành phố và các sở, ban ngành nội dung chi tiết với dự án trọng điểm quốc gia", ông Bảo cho biết.
Vành đai 3 thường xuyên quá tải vào các dịp lễ, Tết đòi hỏi nhu cầu có tuyến giảm tải. Ảnh: H.Q. |
Theo Sở GTVT Hà Nội, dự án vành đai 4 được đầu tư theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và đối tác công tư, nên cần thiết phải chia nhỏ thành các dự án thành phần, tương ứng với các nguồn vốn, hình thức đầu tư và xác định chủ đầu tư khác nhau nhằm cho phù hợp tính chất, quy mô công việc, nhằm đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án sẽ được chia ra 7 thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện.
Riêng dự án thành phần số 3 là đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7 km đi trùng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, cũng do Hà Nội tổ chức đấu thầu thực hiện.
Đường vành đai 4 - vùng thủ đô là dự án quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư xây dựng hôm 16/6. Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, qua địa phận 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội (khoảng 58,2 km), Hưng Yên (khoảng 19,3 km), Bắc Ninh (khoảng 25,6 km) và tuyến nối khoảng 9,7 km.
Tuyến này có điểm đầu tại Km 3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và điểm cuối tại Km 40+ 500 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Ngoài ra, có 9,7 km đường nối từ cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.
Theo nghị quyết của Quốc hội, đường vành đai 4 vùng thủ đô sẽ được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ.
Hà Nội thống nhất chi 23.524 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng công trình này, sau khi biểu quyết tại kỳ họp chuyên đề của HĐND TP sáng 20/5.