Ngày 23/6, góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, lãnh đạo các bộ, ngành đánh giá cao dự thảo văn kiện.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng Hà Nội cần làm rõ hơn một số vấn đề như việc triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; hay việc thành phố đưa ra các chính sách để tạo đột phá trong vấn đề tài chính - ngân sách.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết dự thảo được xây dựng trên cơ sở các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội nhằm định hướng phát triển thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. Ảnh: HNP. |
Kế hoạch triển khai quy hoạch phân khu, chi tiết
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng dự thảo đã nêu kỹ về quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nhưng chưa trình bày được các kế hoạch triển khai cụ thể.
Ông đề nghị dự thảo cần làm rõ kế hoạch thực hiện quy hoạch, chương trình phát triển đô thị làm căn cứ tăng cường quản lý đô thị; bổ sung thêm các chỉ tiêu về phát triển nhà ở.
Ngoài ra, dự thảo cần nêu thêm trong lĩnh vực nhà ở có các chỉ tiêu liên quan đến diện tích, số lượng nhà ở chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, vấn đề cải tạo chung cư cũ.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú. Ảnh: Thời báo Ngân hàng. |
Bên cạnh đó, dự báo trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ rất sôi động nên trong dự thảo cần có một mục đề cập đến giải pháp, chương trình cụ thể bảo đảm công khai, minh bạch.
Về tài chính - ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đánh giá Hà Nội là một trong những địa phương hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đặt ra, đóng góp cao nhất cho sự ổn định về tài chính, ngân sách quốc gia 5 năm qua.
Ông đề nghị thành phố đưa cải cách thể chế trở thành khâu đột phá thứ nhất, vì đây vẫn là giải pháp chính để khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá mức độ chống chịu của doanh nghiệp Hà Nội tốt hơn các địa phương khác. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội từ đầu năm 2020 đến nay vẫn đạt 3%, cao hơn bình quân cả nước và cả TP.HCM.
"Chứng tỏ doanh nghiệp Hà Nội vẫn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Đây là một thành tựu lớn của thành phố", ông Tú nhìn nhận.
Hà Nội có "5 cái nhất" về ngoại giao
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng dự thảo lần này cần đánh giá kỹ hơn về kết quả công tác đối ngoại của thành phố. Hà Nội đang đi đầu về đối ngoại và là bức tranh thu nhỏ cho thành công đối ngoại của cả nước.
Ông cũng nêu 5 cái nhất của Hà Nội về đối ngoại so với các tỉnh, thành phố khác: Nơi có nhiều hiệp định ngoại giao nhất; nhiều danh hiệu của UNESCO nhất; có nhiều thành phố kết nghĩa nhất; thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất và diễn ra giao lưu văn hóa đối ngoại nhiều nhất.
Trong khi đó, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đề nghị thành phố Hà Nội chú ý giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn trong dự thảo Báo cáo chính trị, nhất là cần đặt mục tiêu xử lý dứt điểm những vụ việc phức tạp còn tồn đọng.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đề nghị Hà Nội quan tâm phát triển quỹ đất vùng bãi sông Hồng theo hướng phát triển kinh tế đô thị hiện đại như sông Hàn của thành phố Seoul (Hàn Quốc).
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cảm ơn lãnh đạo các bộ, ngành đóng góp ý kiến trực tiếp và bằng văn bản vào dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
"Các ý kiến không chỉ đề cập những vấn đề chung mà còn phân tích, kiến giải sâu sắc, xác đáng từng vấn đề, lĩnh vực cụ thể", ông Huệ nói.
Bí thư Hà Nội cam kết tất cả ý kiến sẽ được tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ. Trên cơ sở đó, dự thảo Báo cáo chính trị sẽ được hoàn chỉnh một bước với chất lượng cao hơn.