Sáng 19/6, với 91,51% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Theo đó, HĐND Hà Nội được quyền quyết định một số khoản thu phí trên địa bàn (phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí); điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí.
Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi sự nghiệp kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế…
HĐND Hà Nội được quyền quyết định một số khoản thu phí trên địa bàn giống như TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Nghị quyết của Hà Nội cũng cho phép thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội…
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết một số đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc thẩm quyền quyết định thu phí, lệ phí của Hà Nội. Song Ủy ban TVQH vẫn xin giữ quan điểm này, giống như Quốc hội từng quyết cho TP.HCM được ban hành một số chính sách thu phí, lệ phí như ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ôtô, điều chỉnh tăng từ 5.000 đồng/xe/lượt lên bình quân 30.000 đồng/xe/giờ; điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước xả thải công nghiệp theo hướng xả thải càng nhiều đóng càng cao; điều chỉnh giảm mức thu học phí đến mức tối thiểu…
“Quy định này phù hợp với thực tế nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý và điều hành”, ông Hải nhấn mạnh.
Một số ý kiến khác lại đề nghị cân nhắc việc cho phép Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công vì đây là khoản thu lớn, có thể làm mất cân đối ngân sách Trung ương.
Ông Hải dẫn quy định về quản lý tài sản công cho thấy cơ quan, đơn vị phải di dời trụ sở được sử dụng tối đa 70% (riêng lĩnh vực quốc phòng, an ninh là 100%) số thu tiền sử dụng đất và tài sản trên đất của trụ sở cũ để trang trải chi phí liên quan đến việc bán, di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới; 30% còn lại nộp vào ngân sách.
Vì vậy, ông nhấn mạnh việc quy định cho Hà Nội được hưởng 50% số thu nộp ngân sách Nhà nước sau khi đã trừ chi phí liên quan cũng không ảnh hưởng lớn đến cân đối ngân sách Trung ương trong ngắn hạn, nhưng có ý nghĩa động viên, khuyến khích chính quyền địa phương cùng các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh sắp xếp các cơ sở nhà, đất nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công.
Ngoài ra, thành phố sẽ có thêm nguồn lực để xử lý những vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho phù hợp.
Cũng theo ông Hải, có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư trong dự thảo Nghị quyết. Nhưng theo báo cáo của Chính phủ, Hà Nội là địa phương không những tự bảo đảm nguồn cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định mà còn dư nguồn khá lớn. Năm 2018 dư khoảng 21.400 tỷ đồng; năm 2019 dư khoảng 28.300 tỷ đồng; năm 2020 dự kiến dư khoảng 39.720 tỷ đồng.
Do vậy, việc cho phép HĐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư là phù hợp.