Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn kiến nghị Bộ GTVT tham mưu Chính phủ, nghiên cứu nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn. |
Sáng 12/7, phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT quý II; phương hướng, nhiệm vụ quý III-2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn kiến nghị Bộ GTVT tham mưu Chính phủ, nghiên cứu nâng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Trong đó, ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh các hành vi vi phạm nồng độ cồn, chở quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, quá tốc độ quy định.
"Với việc Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, tới đây thành phố sẽ trình nâng mức xử phạt hành vi vi phạm trật tự ATGT với mức được phép cao gấp đôi so với mức chung trên toàn quốc'', Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn nói.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang khẳng định: "Việc tăng mức xử phạt thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố. Hà Nội được quyền quy định một số mức phạt theo phân cấp và trên thực tế đã thực hiện. Thành phố cần quan tâm và chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn"...
Chia sẻ thêm thông tin về tình hình ATGT trên địa bàn, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội xảy ra 805 vụ tai nạn giao thông làm 339 người chết, 688 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 227 vụ (chiếm 39,27%), tăng 8 người chết (2,42%) và tăng 301 người bị thương (77,78%).
Trong quý II năm 2024, các lực lượng chức năng của công an thành phố, Sở GTVT Hà Nội kiểm tra, xử lý trên 94.000 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền trên 180 tỷ đồng, tạm giữ trên 35.000 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trên 21.000 trường hợp.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, các tổ công tác 141 của công an thành phố phát hiện 502 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, bàn giao 564 đối tượng cho các đơn vị chức năng điều tra, giải quyết; đồng thời, phát hiện, xử lý 2.151 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Về các nhiệm vụ trọng tâm quý III/2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt để kéo giảm tai nạn giao thông các tháng cuối năm 2024.
Thành phố tiếp tục triển khai áp dụng thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức, thẻ vé ảo (vé điện tử số) cho vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thành phố Hà Nội hoàn thiện hệ thống giám sát hành trình (GPS) để phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn và xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu về cơ sở hạ tầng vận tải hành khách công cộng.
Cùng với đó, thành phố xây dựng phương án xử lý đối với 26/33 điểm ùn tắc giao thông còn lại và các điểm ùn tắc phát sinh trong năm 2024; tiếp tục triển khai thí điểm tuyến đường cho xe đạp trên tuyến đường bao quanh Công viên Hòa Bình thuộc quận Bắc Từ Liêm.
Ông Dương Đức Tuấn cho biết thêm, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch cao điểm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9/2024 và triển khai Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường.
Hà Nội cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt các hành vi nguy cơ cao như: vi phạm nồng độ cồn; vi phạm tốc độ; xe chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng; điều khiển phương tiện đi không đúng làn đường, phần đường quy định,…
Lực lượng chức năng tăng cường xử lý các vi phạm qua hệ thống camera trên tinh thần “thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
Thực trạng giao thông, văn hóa ứng xử của người tham gia, văn hóa quản lý, điều hành giao thông, các vấn đề liên quan tới quy hoạch và giải pháp xây dựng giao thông Việt Nam trong tương lai đều được PGS.TS. Phạm Ngọc Trung đề cập tới trong cuốn Văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay.