Báo cáo tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021 chiều 6/1, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết năm qua, thành phố hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng.
Trong đó kể đến tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông; 6 nhánh lên xuống cầu cạn vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long). Ngoài ra, thành phố cũng cùng Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với 4 tỉnh thuộc Vùng thủ đô (Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc) thống nhất báo cáo Thủ tướng chấp thuận phương án đầu tư, hình thức đầu tư cũng như một số cơ chế, chính sách liên quan đến dự án vành đai 4.
"Đến nay, các đơn vị liên quan đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đang được Hội đồng thẩm định cấp nhà nước thẩm định làm cơ sở trình Quốc hội xem xét", ông Quyền nói.
Quy hoạch đường vành đai 4. Ảnh: Báo Hà Nội Mới. |
Dự án đường vành đai 4 có tổng chiều dài là 110 km. Tổng mức đầu tư dự án gần 90.400 tỷ đồng. Dự kiến, mặt cắt ngang toàn tuyến vành đai 4 sẽ rộng 120 m, gồm 2 tầng, phần trên là đường cao tốc, tầng dưới kết nối với hạ tầng đô thị.
Tuyến đường dự kiến được thực hiện với 3 dự án thành phần độc lập gồm: Giải phóng mặt bằng toàn tuyến với tổng chi phí khoảng 24.241 tỷ đồng; xây dựng đường gom và tuyến nối quốc lộ 18 với tổng mức đầu tư 8.255 tỷ đồng; xây dựng đường cao tốc và tuyến nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long với mức đầu tư 57.900 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay).
Trong đó, dự án thành phần 1, 2 đầu tư bằng vốn đầu tư công; dự án thành phần 3 đầu tư triển khai theo hình thức PPP.