87 trạm thu phí đặt quanh Hà Nội trên đường vành đai 3 trở thành đề tài bàn luận của người dùng mạng xã hội những ngày qua. Nhiều người sinh sống ở ngoại thành, nhưng làm việc tại nội đô lo ngại viễn cảnh 2 lượt qua trạm thu phí có thể tiêu tốn của họ 200.000 đồng mỗi ngày và lên đến 5-6 triệu đồng một tháng.
Ý tưởng thu phí để giảm ùn tắc của Sở GTVT gặp nhiều ý kiến trái chiều từ khi được đưa ra. Các ý kiến cho rằng số lượng trạm thu phí quá nhiều, bao quanh một khu vực rộng có thể ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Zing đã liên hệ với một số chuyên gia lĩnh vực giao thông và quản lý đô thị nhằm giải đáp thắc mắc về lựa chọn này của Sở GTVT Hà Nội.
Quy mô quá rộng sẽ làm mất đi hiệu quả
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành đánh giá việc lựa chọn ranh giới thu phí được coi là công việc khó, nhạy cảm và phải "nhấc lên đặt xuống" nhiều lần mới có thể đưa ra quyết định. Ông thừa nhận với việc vẽ ra một bản đồ thu phí với quy mô rộng gần 150 km2 như thế rất dễ tác động tiêu cực lên tâm lý người dân.
Thạc sĩ Phan Trường Thành. Ảnh: Kinh tế Đô thị. |
Tuy nhiên, quyết định này của Sở GTVT đơn thuần đến từ điều kiện hạ tầng thực tế của TP. Với việc vành đai 4 còn chưa triển khai, vành đai 2 và 2,5 thì quá sâu vào nội đô, thì việc chọn vành đai 3 là phù hợp hơn để triển khai kế hoạch này.
"Càng vào sâu nội đô, điều kiện cơ sở hạ tầng càng hạn chế do quỹ đất bị thu hẹp. Đặt trạm thu phí trên vành đai 3 sẽ giữ cho khoảng cách các trạm không quá sát nhau. Nếu đặt trên vành đai 2 thì có quá nhiều giao cắt, các trạm thu phí sẽ phải dồn lại gây cản trở lưu thông hơn", ông Thành nói.
Bên cạnh đó, với việc đẩy ranh giới trạm thu phí ra xa cũng giúp phương tiện không phải liên tục đi qua các trạm thu phí nếu chỉ di chuyển ở nội đô. Phương án đặt trạm thu phí này chủ yếu tác động đến người dùng xe cá nhân đi từ ngoại thành vào nội thành, giúp điều chỉnh thói quen đi lại của người dân trong giờ cao điểm.
Mục đích là giảm ùn tắc hay để thu phí mà cần mở rộng ra như vậy?
GS.TS Từ Sỹ Sùa
Còn GS.TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp Đại học GTVT, thì đề nghị TP cân nhắc kỹ việc xác lập khu vực thu phí trên đường vành đai 3 đã thật sự hợp lý chưa. Ông chỉ ra một số điểm Sở GTVT Hà Nội cần làm rõ bởi thu phí quy mô quá rộng sẽ làm mất đi hiệu quả của đề án.
"Ở các nước, họ chỉ bắt đầu thu phí khi phương tiện cá nhân đi vào phần lõi của nội đô, tức khoảng 10-20 km2. Nhưng ở đây, Sở GTVT đề nghị đặt đến 87 trạm bao quanh khu vực diện tích đến 150 km2 thì cần phải xem lại. Mục đích là giảm ùn tắc hay để thu phí mà cần mở rộng ra như vậy?", giáo sư Sùa đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, với vai trò trung tâm hành chính, kinh tế, xã hội và là đầu mối giao thông lớn nhất miền Bắc, việc đặt trạm thu phí như vậy sẽ khiến nhiều phương tiện ở các tỉnh, thành khác bị tác động. Nhiều xe vãng lai gần như không gây ùn tắc nhưng nếu đi qua trạm vẫn phải nộp phí thì không thỏa đáng, tạo ức chế cho người dân, doanh nghiệp khi phải chịu "phí chồng phí".
"Đã là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa thì phải tạo điều kiện cho giao thương, đi lại, nhưng ở đây Hà Nội lại chọn biện pháp thu phí để giới hạn xe lưu thông. Nếu làm không cẩn thận có thể tạo tác động ngược là người dân chuyển hết sang đi xe máy hoặc dồn vào nội đô sinh sống", ông Sùa lo ngại.
Không tưởng
Theo Sở GTVT Hà Nội, việc lựa chọn các đường vành đai làm ranh giới khu vực thu phí là phù hợp, vì có điều kiện tổ chức giao thông, bố trí được tuyến đường vòng tránh cho các phương tiện không cần thiết đi qua vùng thu phí.
Vành đai 3 là vành đai đô thị, quy mô 8-10 làn xe, đoạn Quang Minh - cầu Thăng Long - Linh Đàm - Thanh Trì - Phù Đổng - Việt Hùng là đường cao tốc đô thị, hiện đã thông xe đoạn trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long thuận tiện trung chuyển cho luồng xe quá cảnh.
Sở GTVT sẽ phải đối mặt với câu hỏi rất lớn là thu phí có hết ùn tắc không?
Ông Phan Trường Thành
Ngoài ra, vành đai 3 bao trọn hầu hết điểm ùn tắc giao thông, trong đó điểm nút thường xuyên ùn tắc như cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương. Quỹ đất dự trữ trên tuyến lớn và hệ thống giao thông tĩnh được quy hoạch trong khu vực vành đai 3 phù hợp với chuyển đổi giữa giao thông công cộng và giao thông cá nhân.
Diện tích khu vực thu phí theo ranh giới xác định khoảng 147 km2, chiếm khoảng 4,5% tổng diện tích thành phố. Tuy nhiên, Sở GTVT dự đoán vẫn có thể xuất hiện ùn tắc trong khu vực thu phí. Vấn đề này có thể khắc phục bằng hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân theo lộ trình.
Chuyên gia lo ngại việc đặt trạm thu phí ở phạm vi quá rộng có thể dẫn đến người dân dồn vào nội đô sinh sống. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Theo ông Phan Trường Thành, ý tưởng này của Sở GTVT vẫn là một bài toán cần được tính tới trong kế hoạch phát triển đô thị Hà Nội tương lai. Tuy nhiên, ông khẳng định đây không phải chìa khóa giải quyết ùn tắc.
"Sở GTVT sẽ phải đối mặt với câu hỏi rất lớn là thu phí có hết ùn tắc không. Đặt 87 trạm thu phí mà hết ùn tắc thì không tưởng, TP còn rất nhiều việc phải làm từ hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, nâng cấp hạ tầng đường sá đến di dời cơ quan công sở ra ngoài trung tâm", ông Thành nói.
Vị chuyên gia cho rằng từ giờ đến khi đề án được phê duyệt còn khoảng thời gian dài (2025), Sở GTVT cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện đề án. Đề án cần cân bằng giữa nhiều yếu tố và hài hòa lợi ích.
Theo Sở GTVT Hà Nội, đối tượng thu phí là ôtô đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, trừ phương tiện được miễn phí như xe ưu tiên, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt, ôtô vận tải hàng hóa... Theo lãnh đạo Sở GTVT, mức phí cụ thể và chính sách miễn giảm sẽ được UBND Hà Nội nghiên cứu và duyệt trình HĐND TP xem xét tại kỳ họp trong năm 2024.
Người sử dụng phương tiện cần có trách nhiệm mở tài khoản và gắn thiết bị thu phí không dừng. TP sẽ có quy định truy thu đối với lái xe không nộp phí và phạt người cố tình không nộp phí cũng như trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, quản lý và vận hành.