Trong một báo cáo mới đây, UBND TP. Hà Nội cho biết dư nợ vay tính đến hết năm của thủ đô là 9.816 tỷ đồng. Các khoản vay được chính quyền dùng vào việc đầu tư các công trình trọng điểm của thủ đô.
Các công trình được sử dụng nguồn này như chương trình kiên cố hóa kênh mương giao thông nông thôn (vay vốn ODA nước ngoài). Ngoài ra còn có các công trình như đường sắt đô thị, dự án cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn.
Theo báo cáo năm 2017 của Hà Nội, dân số thủ đô vào khoảng 7,654 triệu người. Nếu chia tổng số nợ công cho số dân, mỗi người dân thủ đô đang gánh 1.282.000 đồng.
UBND TP. Hà Nội cho biết dành một phần số vay nợ để đầu tư các dự án giao thông, trong đó có đường sắt đô thị. Ảnh: Anh Tuấn. |
Hà Nội khẳng định các khoản nợ công được quản lý chặt chẽ và trả nợ đúng hạn. Ngoài ra, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Nghị định 63/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Hà Nội.
Quy định cho phép Hà Nội có mức dư nợ vay tối đa không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Nghĩa là mức dư nợ tối đa được cho phép của Hà Nội là 53.092 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hà Nội mới chỉ vay 9.816 tỷ đồng, tương đương 18,5%.
UBND TP. Hà Nội khẳng định nợ công của thủ đô hoàn toàn nằm trong giới hạn an toàn được cho phép.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nợ của chính quyền địa phương bằng khoảng 1,5% nợ công của nước. Nợ công của cả nước năm 2017 là 62,6% GDP. Tương đương với khoảng 3,18 triệu tỷ đồng. Như vậy nợ của chính quyền địa phương trên cả nước là khoảng 48.000 tỷ đồng.
Mức nợ công của Hà Nội chiếm 20,5% tổng nợ của chính quyền địa phương trên cả nước.