Trong phiên họp Quốc hội diễn ra sáng 16/11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã trình bày thực trạng tình hình nợ công và quan điểm của Chính phủ về vấn đề cấp thiết này.
Phó thủ tướng cho biết hiện nợ công đã sát trần 65%, với dư nợ đạt trên 35% và đã vượt trần cho phép của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỷ lệ chi trả nợ vay đã đạt 27,3% so với nguồn thu ngân sách. Chính phủ khẳng định giải quyết vấn đề này chính là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020.
Đã có nhiều thành viên Chính phủ, Quốc hội và nhiều chuyên gia đưa ra khuyến cáo nên xin nới trần nợ công, để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, đảm bảo vấn đề quốc phòng an ninh, an sinh xã hội... Đặc biệt trong tình trạng đất nước còn nghèo và nhu cầu cho phát triển rất lớn
"Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán rất kỹ, trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ.
Hiện nay, tổng trả nợ của chúng ta đã quá 25% so với tổng thu ngân sách, Chính phủ nói không với tăng trần nợ công", Phó thủ tướng khẳng định.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng là "nói không với tăng trần nợ công". Ảnh: quochoitv. |
Ông cũng cho biết thay vì xin nới trần nợ công, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính cơ cấu lại các khoản thu chi ngân sách, để đảm bảo an toàn cho chính sách tài chính.
Với mục tiêu đảm bảo cân đối ngân sách một cách tích cực nhất, giữ vững an ninh tài chính quốc gia với các chỉ tiêu cụ thể, như tỷ lệ huy động ngân sách ở mức 20-21% GDP, tổng thu gấp 1,65 lần so với trước, giảm thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu, tăng thu nội địa...
Chi ngân sách sẽ giữ ở mức 24-25% GDP, chi đầu tư phát triển khoảng 24-25%, thường xuyên dưới 64%, giảm dần bội chi đến năm 2020 còn khoảng 3,5%. Quy mô nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% và nợ nước ngoài không quá 50%...
Chính phủ đồng ý với quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội về việc vay nợ thế nào không quan trọng bằng hiệu quả sử dụng vốn vay.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế nhanh, Phó thủ tướng cho biết cần phải rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới, nhưng phải phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột, kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó bền vững nợ công là một vấn đề về ổn định kinh tế.
Chủ trương của Chính phủ là hoàn thiện chính sách thu theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, chống sói mòn cơ sở thuế, chống thất thu, gian lận thuế, và giải quyết nợ động thuế hơn là tăng thuế suất.
“Trong bối cảnh cắt giảm thuế quan cũng cần tính toán điều chỉnh 1 số khoản thu nội địa, nhưng khoản thuế liên quan tới thuế GTGT thuế TNDN phải hết sức cẩn trọng, đặc biệt là phải giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu”, Phó thủ tướng khẳng định.
Riêng lĩnh vực FDI, Phó thủ tướng cho biết phải thắt chặt chống chuyển giá, đặc biệt triển khai cơ chế đăng ký giá trước để hạn chế tình trạng này.
Đối với thuế nội địa, tăng cường quản lý phi chính thức và thực hiện hóa đơn điện tử, quản lý chặt chẽ thuế ngoài quốc doanh. Đối với hải quan phải áp đúng mã HS tránh sai mã thuế và không kê khai giá tính thuế.
Về việc chi thường xuyên của NSNN, Phó thủ tướng cho biết trước đây gần 70% tổng chi ngân sách là chi thường xuyên. Năm 2017 đã giảm xuống còn 64,9%, dự toán 2018 sẽ giảm xuống 64,1%, tới đây sẽ giảm dưới 64%.
Tăng tỷ trọng nợ công theo hướng tăng nợ trong nước và giảm nợ nước ngoài, để hạn chế ảnh hưởng bởi tỷ giá. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chuyển nợ ngắn hạn thành dài hạn, nợ lãi suất cao thành lãi suất thấp và giảm bảo lãnh Chính phủ.
“Trong 2016, Chính phủ chỉ duyệt cấp bảo lãnh 1 dự án 170 triệu USD. 9 tháng đầu năm nay không cấp bất kỳ bảo lãnh Chính phủ nào”, Phó thủ tướng cho biết.