Nhiều lần Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn phải nhắc nhở, yêu cầu Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói ngắn gọn, đi thẳng vào câu hỏi.
Không dưới 3 lần, Chủ tịch Quốc hội - người từng ngồi ghế nóng ngành tài chính phải nhắc, nêu lại câu hỏi, hướng dẫn cách trả lời cho Bộ trưởng Dũng.
Đại biểu hỏi theo báo cáo của Bộ Tài chính hiện có 67.000 tỷ đồng nợ đọng thuế, trong đó có 34.000 tỷ có thể thu hồi được. Bộ trưởng cho biết liệu có thu hồi được không?
Trả lời trước Quốc hội, người đứng đầu ngành tài chính cam kết: "Riêng trong năm 2015 đã thu về hơn 31.000 tỷ đồng nợ thuế nên còn treo 34.000 tỷ đồng đó. Chúng tôi chắc chắn thu được số này".
Nhắc lại lời hứa truy thu nợ thuế, Chủ tịch Quốc hội nhắc Bộ trưởng Tài chính "chỉ cần cam kết như vậy là được, Bộ trưởng không cần trình bày cụ thể chi tiết".
“Quốc hội chỉ ghi nhận lời hứa thôi, làm thế nào là việc của Bộ trưởng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng mở đầu ngày chất vấn thứ 2. Ảnh: Thắng Nguyễn. |
Tốc độ tăng nợ công quá cao
Thông tin lại với đại biểu về tình hình nợ công, Bộ trưởng Tài chính cho hay, đối chiếu với chiến lược và chỉ tiêu đánh giá an toàn nợ công, Việt Nam có 5 chỉ tiêu đạt theo yêu cầu. Một chỉ tiêu không đạt là bù đắp bội chi (thực hiện trên 5,5% cả nhiệm kỳ trong khi chỉ tiêu là 4,5%).
Nợ công Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát nhưng tốc độ tăng 20%/năm quá cao, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định.
Nợ công cao, theo tư lệnh ngành tài chính, là mặt trái của những nỗ lực đảm bảo phát triển kinh tế xã hội mà các đại biểu và Quốc hội ghi nhận thành quả điều hành 5 năm qua. Việc bổ sung kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ gấp 3 lần giai đoạn 5 năm trước cũng gây áp lực lớn lên nợ công, ông Dũng nói.
Điểm sáng của nợ công là đã cơ cấu được một bước, vay trong nước từ 39% năm 2011 lên 57,1% năm 2015, trong khi vay nước ngoài giảm còn hơn 42%.
Sắp tới, Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là vay mới. Nợ công chỉ chi cho đầu tư phát triển, cho công trình thiết yếu theo quy hoạch. Ông Đinh Tiến Dũng cam kết, nếu làm tốt, đến năm 2020, nợ công chỉ còn 58,8% GDP. Đỉnh nợ công sẽ là 64,8% năm 2017.
Theo Bộ trưởng Tài chính, đỉnh nợ công sẽ là 64,8% năm 2017. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Chi quốc phòng an ninh tạo áp lực cân đối ngân sách
Liên quan đến cân đối thu chi ngân sách, Bộ trưởng Dũng cho biết, bội chi không đạt do nhiều nguyên nhân. Phần bội chi phần lớn do đầu tư phát triển: cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và 1 phần cho nông thôn mới.
5 năm qua, nhu cầu chi ngân sách tăng mạnh. Kinh tế khó khăn nhưng chúng ta quyết tăm giữ mục tiêu an sinh xã hội. Chi cho an sinh xã hội tăng 18,5%/ năm trong khi tăng thu chỉ 9,5%/năm. Thêm vào đó, tăng chi cho quốc phòng, an ninh cũng gây áp lực cân đối ngân sách, Bộ trưởng nêu.
Điều Bộ trưởng Dũng băn khoăn là chi thường xuyên cao, tới 68% ngân sách. Trong khi đó, nguồn thu ngân sách thấp hơn kế hoạch. Ảnh hưởng của kinh tế thế giới khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại, việc thực hiện miễn, giảm giãn thuế cho sản xuất kinh doanh để dưỡng nguồn thu, việc tái cơ cấu DNNN và ngân hàng thương mại cắt giảm thuế quan theo lộ trình làm giảm thu ngân sách nhà nước.
Ông cũng trấn an, dù tốc độ tăng thu chậm lại chỉ còn 9,5% trong giai đoạn này (giai đoạn 2006-2010 hơn 20%) nhưng quy mô thu ngân sách gần gấp đôi giai đoạn 5 năm trước.
Điều này đồng nghĩa các quyết sách của Chính phủ, Quốc hội 5 năm qua đang đi đúng hướng, Bộ trưởng Dũng nhận định.
Cổ phần hóa: Sốt ruột nhưng không nóng vội được
Liên quan đến quá trình cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN, Bộ trưởng Tài chính cho biết Bộ đã cơ bản đồng bộ hệ thống văn bản liên quan. Các vướng mắc để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa đã cơ bản được tháo gỡ về mặt chính sách.
Báo cáo về tiến độ cổ phần hóa, ông Đinh Tiến Dũng nêu lại con số 408/538 DN cổ phần hóa trong giai đoạn 5 năm 2011-2015. Tuy nhiên, việc thoái vốn làm ở rất nhiều DN nhưng quy mô rất thấp. Giá trị phần vốn nhà nước ở DN mới bán được 2,1% trong năm 2015. Từ 2010 đến nay mới chỉ bán được 5%.
“Tình hình rất sốt ruột nhưng không nóng vội được”, tư lệnh ngành tài chính nói. Ông Dũng bổ sung, trong điều kiện thị trường tài chính chưa phát triển, bán không cẩn thận dễ gây thiệt hại cho nhà nước. Việc đẩy tiến độ là cần thiết nhưng phải cẩn trọng, từng bước.