Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bốn đại biểu chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Mở đầu cho phần chất vấn chiều 16/11, đại biểu Bùi Mạnh Hùng gửi tới người đứng đầu Chính phủ hai câu hỏi.

Chất vấn đầu tiên trong buổi chiều 16/11, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đã dành 2 câu hỏi cho Thủ tướng. Theo đại biểu này, tại kỳ họp thứ 8, ông đã chất vấn Bộ trưởng Bộ nội vụ về chức danh hàm không có trong quy định của nhà nước. Lúc đó, Bộ trưởng đã hứa sẽ nêu giải pháp nhưng sau một năm không thấy hồi âm. Ông Hùng tiếp tục gửi văn bản chất vấn tới Bộ trưởng Nội vụ và được​ trả lời là đã ​xin ý kiến Thủ tướng.

“Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề chức danh hàm và liệu việc này còn kéo dài tới bao giờ?”, ông Hùng hỏi

Về vấn đề bẫy thu nhập trung bình, theo ông Hùng​, dù kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc, tốc độ phát triển khá song sự phát triển này còn phụ thuộc nhiều vào vốn vay, trong khi nợ công đã tiếp cận giới hạn cho phép. Lợi thế dân số vàng đang dần qua đi. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp và Việt Nam có khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình trong vài thập niên tới.

“Với trọng trách người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng đã và có giải pháp gì để Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhập trung bình?” – đại biểu Bùi Mạnh Hùng chất vấn.

Cùng chung băn khoăn với đại biểu Hùng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ cho biết, việc phong theo hàm có đúng luật không. Vì nếu Chính phủ làm được thì địa phương cũng làm được. Các đơn vị sẽ "đẻ" ra hàm trưởng phòng, phó phòng để giải quyết chính sách cho anh em.

"Tôi đã chất vấn và Bộ trưởng Nội vụ trả lời đến 4 trang. Tuy nhiên​, sai ở đâu tôi tìm không thấy", vị Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nói.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, về lĩnh vực kinh tế, các số liệu do Chính phủ cung cấp "nhảy múa", hàng giả, hàng kém chất lượng tràn làn từ đầu nhiệm kỳ tới nay chưa được giải quyết. ​

"Có cử tri cho rằng nền kinh tế phát triển nhưng chưa bền vững. Có cử tri nói rằng chúng ta tạo ra khuyết điểm rồi khắc phục khuyết điểm xong lại báo cáo thành tích" - ông Thuyền bình luận.

Ông cũng nêu hàng loạt vấn đề như đơn thư khiếu nại của người dân chưa giải quyết thấu đáo, nhiều người dân kêu oan nhưng chưa được giải quyết. Cải cách hành chính mới giảm được một số thủ tục, giảm phiền hà nhưng bộ máy càng phình ra, chức năng càng chồng chéo.

Trong khi đó có cán bộ đề bạt một thời gian ngắn đã bị bắt. Khi được hỏi, đại diện các Bộ, ngành trả lời việc bổ nhiệm là "làm đúng quy trình" khiến cử tri rất băn khoăn lo lắng. ​

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền. Ảnh: Thắng Nguyễn.

“Biên chế chưa giảm được bao nhiêu, chất lượng phục vụ người dân chưa tốt nên dân còn kêu, còn thấy phiền hà. Chính phủ có trách nhiệm gì trong vấn đề này không? Giải pháp gì để giải quyết các tình trạng trên trong thời gian tới?" - đại biểu Thuyền gửi câu hỏi tới Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc​. 

Cho rằng, rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép, đại biểu Trần Ngọc Vinh đăt câu hỏi: "Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa chưa bao giờ trở nên ngắn và dễ dàng đến thế. Nguyên nhân của vấn đề này là gì? Phải chăng chính sách chưa đủ răn đe, trách nhiệm của cá nhân bộ trưởng và ngành Nông nghiệp là như thế nào mỗi khi hàng năm có hàng nghìn cái chết được báo trước".   ​

Chiều 16/11, thêm 3 đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, Trần Ngọc Vinh và Nguyễn Trung Thu đặt câu hỏi cho Thủ tướng.

Trước thực tế 90% doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Bảo đề nghị Chính phủ sớm có kế hoạch ra Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa và có kế hoạch hỗ trợ những doanh nghiệp này để phục vụ hội nhập kinh tế xã hội trong thời gian sắp tới.​

Còn đại biểu Vinh đề nghị: "Thủ tướng cho biết địa vị pháp lý của tổ chức Công đoàn Việt Nam khi chúng ta tham gia TPP? Đây là vấn đề chúng ta hết sức quan tâm".

Nêu thực trạng "ông già bà cả 70-80 tuổi phải đăng ký kết hôn để có giấy tờ hợp pháp", đại biểu Nguyễn Trung Thu nói về thủ tục nhiêu khê khiến dân không vay vốn được từ tổ chức tín dụng, phải vay nóng với lãi suất chết người...

Theo ông, ​nguyên nhân chính là do triển khai luật công chứng, luật đất đai còn chậm, chưa đồng bộ, chưa sát thực tiễn. Đoàn đại biểu UBND có báo cáo kiến nghị. Thủ tướng và Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo, giao Bộ tư pháp phối hợp với các bộ bộ, ngành, địa phương nghiên cứu khắc phục.

"Tuy nhiên, đến nay chưa có tiến bộ gì. Vì sao việc thực hiện hai luật trên chưa đồng bộ, sát thực tiễn? Sao chậm khắc phục? Trách nhiệm thuộc về ai? Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng trong khắc phụ luật được Quốc hội giao thời gian tới như thế nào", ông đặt câu hỏi.

Theo lịch trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời các câu hỏi của đại biểu vào sáng 18/11.

Sáng mai 17/11, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Thái Học ​(Phú Yên): "Bộ trưởng Giao thông công khai điện thoại cá nhân​, Bộ trưởng ​Y tế tham gia ​Facebook, Chính phủ có mạng xã hội. Điều này cho thấy thái độ cầu thị, chủ động của các vị trưởng ngành. Tôi ​ghi nhận đánh giá cao, tinh thần trách nhiệm của các bộ trưởng​ khi nói đi đôi với làm, không ngại va chạm, làm hết sức, hết lòng.

Hình ảnh xông xáo, năng động xử lý có kết quả các vấn đề bức xúc mang lại niềm tin. Tuy nhiên, còn những tồn tại hạn chế kéo dài. Có nội dung, lĩnh vực cử tri phản ánh nhiều lần, nghị quyết đề cập nhiều kỳ họp nhưng chậm".

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm