Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bảo vệ chủ quyền biển đảo chưa có câu trả lời trọn vẹn'

Sáng 16/11, đại biểu Nguyễn Anh Sơn băn khoăn: "Quốc hội đã đề nghị và được báo cáo nhiều lần nhưng việc bảo vệ chủ quyền biển đảo vẫn là là câu hỏi chưa có câu trả lời trọn vẹn".

Sáng nay, Quốc hội mở màn đợt chất vấn kéo dài 2,5 ngày (16-18/11) với cách thức mới, không chốt danh sách bộ trưởng, trưởng ngành, cũng không theo nhóm vấn đề. 

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Sơn ​cho hay, tham nhũng vẫn là vấn đề nhức nhối, trong khi hàng triệu người còn vật lộn với mức lương vài triệu đồng, nhiều cán bộ giàu lên nhanh chóng.

"Về bảo vệ chủ quyền biển đảo, Quốc hội đã đề nghị và được báo cáo nhiều lần. Tuy nhiên, đến nay việc bảo vệ chủ quyền biển đảo vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời trọn vẹn", ông Sơn nói và chất vấn thêm về thực trạng nhiều thực phẩm độc hại vẫn còn xuất hiện trên bàn ăn của người dân. 

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Trước tình trạng năng suất lao động của Việt Nam thấp so với khu vực, đại biểu Tô Văn Tám chất vấn: "Phó thủ tướng đánh giá như thế nào về năng suất lao động Việt Nam hiện nay? Giải pháp cơ bản để nâng cao?​" 

Là người chất vấn thứ 3, đại biểu Trương Văn Vở đã gửi câu hỏi tới 5 bộ trưởng. Trong đó, ông đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT và Bộ trưởng Công Thương xác định rõ số liệu “nhảy múa” về việc trồng rừng liên quan tới các dự án thủy điện - Bộ NN&PTNT nêu 21.000 nghìn ha còn Bộ Công Thương xác định gần 18.000 ha. 

Ghi nhận sự quyết liệt, chủ động chỉ đạo điều hành của Chính phủ đã tạo chuyển biến khá rõ trong một số lĩnh vực, nhưng đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, việc phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao​, chất vấn và giám sát chuyên đề chưa rõ nét.

"Các Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm. Điều đại biểu và cử tri quan tâm là, nhận trách nhiệm rồi, việc tổ chức sau đó như thế nào?​", ông nêu băn khoăn.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Liên quan đến con số diện tích rừng thay thế cho các công trình thủy điện giữa Bộ Nông nghiệp và Công thương vênh nhau, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, có lẽ là do thời điểm.

"Có danh sách từng dự án, từng tỉnh, đã rà đi, soát lại rất kỹ. Tôi sẽ cùng với Bộ trưởng Công Thương rà soát lại, báo cáo một con số thống nhất", ông Phát chia sẻ.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng lý giải, có thể thời điểm thống kê khác nhau nên số liệu khác nhau. Hơn nữa, do một số một số công trình tích hợp thủy lợi và thủy điện, nên có thể diện tích rừng trồng được tính vào các công trình thủy lợi mà không tính vào công trình thủy điện.

"Dù vậy, Bộ sẽ rút kinh nghiệm để không còn con số chênh lệch như trên", ông Hoàng nói.

Chưa hài lòng về câu trả lời, đại biểu Trương Văn Vở tiếp tục chất vấn và Bộ trưởng Cao Đức Phát và Vũ Huy Hoàng về việc không nên lẫn lộn diện tích rừng cho thủy lợi với thủy điện.

11h30, Quốc hội nghỉ và sẽ trở lại phiên chất vấn vào 14h.

Cần đi thẳng vào vấn đề 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ​cho hay, đây là phiên chất vấn cuối cùng của khóa 13, phiên họp cuối cùng để chất vấn và giám sát hoạt động chất vấn. 

Quốc hội sẽ nghe lại báo cáo của Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện ​KSND Tối cao; đánh giá tổng hợp tình hình của đất nước, bao gồm cả các công việc liên quan đến công tác của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.

"Như vậy đối tượng chất vấn của kỳ này rất rộng: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ", ông Hùng nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Theo ông Hùng, mục đích là đánh giá lại xem yêu cầu của Quốc hội trong hoạt động giám sát, chất vấn đã được thực hiện như thế nào, đã tốt chưa; còn những tồn tại gì mà đất nước, bộ máy nhà nước cần làm tốt hơn nữa.

Với mục đích "đi thẳng vào vấn đề", Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Chính phủ và đại biểu cùng thảo luận những vấn đề được nêu; cả người hỏi và trả lời nhìn thẳng, đem lại kết quả nhìn rõ được.  

Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn

Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, trên các lĩnh vực đều có chuyển biến.

Trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ tập trung vào việc quản lý giá, thực hiện lộ trình giá thị trường đối với giá điện, xăng, dầu, than, dịch vụ y tế gắn với phục vụ hộ nghèo.

Chính phủ chỉ sử dụng nợ công cho đầu tư phát triển. Các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia, nợ nước ngoài trong giới hạn. Chính phủ cũng giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn, tăng cường kiểm tra thanh tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Thất thoát, lãng phí bị xử lý nghiêm.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Việt Nam đã đẩy mạnh sáp nhập, mua lại trên nguyên tắc tự nguyện các tổ chức tài chính yếu kém. Đã giảm được 17 tổ chức và 2 chi nhánh tài chính. Các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá tốt quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, chi thường xuyên lớn. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Quản lý sử dụng ngân sách ở một số bộ ngành còn thất thu, còn tình trạng trốn, nợ thuế.

Trong lĩnh vực nội vụ, Chính phủ quản lý chặt chẽ biên chế công chức kể cả biên chế dự phòng. Dù vậy, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, tinh giản biên chế còn nhiều khó khăn, thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà​; xây dựng chính phủ điện tử còn chậm.

"Tổng số cán bộ cấp thứ trưởng cơ bản không tăng so với đầu nhiệm kỳ. Việc tăng số lượng cấp phó một số đơn vị, bộ ngành chủ yếu do sắp xếp, quy hoạch cán bộ. Trong quá trình luật Tổ chức Chính phủ, tổ chức chính quyền địa phương, số lượng cấp phó sẽ giảm”, Phó thủ tướng khẳng định.

Trong lĩnh vực thanh tra, vẫn còn xảy ra khiếu kiện đông người liên quan tới đất đai, môi trường​; thu hồi tài sản tham nhũng tuy có khá hơn nhưng vẫn đạt tỷ lệ thấp.

Theo Phó thủ tướng, tai nạn giao thông giảm, năm 2015 chỉ còn 21.000 vụ, trong điều kiện số lượng phương tiện tăng nhanh. Số người chết và bị thương giảm 21% so với giai đoạn 5 năm trước.

Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn nghiêm trọng, ùn tắc ở Hà Nội, TP HCM gia tăng​; ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao, quản lý giao thông còn nhiều bất cập, chất lượng công trình chưa đảm bảo.

Về xây dựng​, ​có nhiều dự án nhà ở xã hội quy mô lớn được triển khai; diện tích nhà ở cho dân tăng từ 18 m2 lên 22 m2 / người​; gói tín dụng 30.000 tỷ đã cam kết 61%, giải ngân hơn 40%. Tuy nhiên, tồn kho bất động sản còn lớn, quản lý quy hoạch còn yếu kém; chất lượng một số công trình kém; quản lý xây dựng còn gây bức xúc trong dân.​

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm