Thông tin về các phiên chất vấn đặc biệt sẽ kéo dài trong hai ngày rưỡi, từ ngày 16 đến 18/11, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Khác với những lần chất vấn trước là Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến đại biểu về câu hỏi, và phân theo nhóm vấn đề chất vấn, lần này các đại biểu có thể hỏi về bất cứ điều gì.
Vì thế nên tất cả các thành viên Chính phủ đều phải chuẩn bị tinh thần để trả lời câu hỏi của đại biểu, về những vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện 8 nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, trong nhiệm kỳ này.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc. |
- Ông đánh giá thế nào về trách nhiệm của các bộ trưởng trong việc thực hiện những lời hứa trong 8 kỳ chất vấn đã qua?
- Trong nhiệm kỳ này, nhìn chung các bộ trưởng đều có trách nhiệm trong việc tập trung giải quyết những vấn đề mà đại biểu đã có ý kiến, giải quyết tồn tại của ngành mình lĩnh vực mình. Tuy nhiên vẫn có những vấn đề chưa đạt yêu cầu lắm.
Ví dụ trong vấn đề cơ cấu ngành nông nghiệp, được mùa mất giá, ngộ độc thực phẩm, giá thuốc chữa bệnh tăng cao, tai nạn giao thông... Nhiều tồn tại vẫn còn đấy, và đây là những vấn đề mà tôi tin đại biểu sẽ có ý kiến.
- Có minh chứng rõ nhất là ngành nông nhiệp. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã làm 10 năm rồi, nhiều lần trả lời chất vấn đã xin lỗi và nhận trách nhiệm, nhưng tình hình cải thiện thì không như mong đợi. Vậy Quốc hội sẽ đặt trách nhiệm như thế nào?
- Thì đấy, chính vì thế nên đại biểu sẽ hỏi những vấn đề gì mà từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, những gì các bộ trưởng đã hứa, sẽ được chất vấn đến cùng.
Đến thời điểm này, Quốc hội đã thông qua 8 nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Những ngành nào, vấn đề gì mà còn tồn tại thì đại biểu sẽ hỏi. Với yêu cầu là các bộ trưởng phải giải trình, báo cáo tất cả vấn đề trước Quốc hội, phải cho biết nguyên nhân tại sao.
- Nếu những vấn đề còn tồn tại tiếp tục được đưa vào nghị quyết lần này thì phải xử lý thế nào những bộ trưởng không thực hiện được lời hứa?
- Với quan điểm phải truy đến cùng, sau khi chất vấn xong thì Quốc hội sẽ có một nghị quyết, gửi cho khóa sau (Quốc hội khóa XIV) để tiếp tục đôn đốc thực hiện những tồn tại của khóa XIII mà các lĩnh vực chưa giải quyết xong.
Đây là một nội dung rất mới mà các kỳ họp trước chưa làm bao giờ. Ngay cả việc chất vấn tại kỳ họp này cũng rất mới. Tôi hi vọng đây sẽ là một sự đổi mới trong công tác chất vấn. Để những vấn đề mà cử tri quan tâm không rơi vào tình trạng hết kỳ họp là hết tồn tại.
Phải rõ ràng, để những gì mà các bộ trưởng làm được thì ghi nhận. Còn nếu không làm được thì Quốc hội tiếp tục chuyển vấn đề sang khóa sau để phải làm tiếp.
- Ông nói truy đến cùng trách nhiệm trưởng ngành. Nhưng nhiều thành viên Chính phủ sẽ kết thúc nhiệm kỳ, khi công việc, lời hứa còn dang dở thì làm thế nào đây?
- Cán bộ thì có tính kế thừa, trách nhiệm đây không phải cá nhân bộ trưởng mà cả ngành. Còn bộ trưởng mà chuyển ngành khác, nghỉ hưu thì phải trách nhiệm của ngành đấy là vẫn phải giải quyết chứ không phải trách nhiệm của riêng cá nhân bộ trưởng.
Khi có những vấn đề còn tồn tại, lời hứa chưa thực hiện được chuyển sang khóa sau thì trách nhiệm khóa sau phải giải quyết tận cùng.