Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tôi chia sẻ gánh nặng với các bộ trưởng'

“Tôi chia sẻ gánh nặng trên vai của mỗi bộ trưởng. Họ làm sao có thể nhớ hết mọi chi tiết khi đại biểu chất vấn về từng vụ việc cụ thể”, đại biểu Dương Trung Quốc đánh giá.

Từ 16 đến 18/11, Quốc hội tiến hành chất vấn cả nhiệm kỳ khóa 13 với cách thức mới, không chốt danh sách bộ trưởng, trưởng ngành, cũng không theo nhóm vấn đề. Toàn bộ thành viên Chính phủ sẽ có mặt để giải đáp những câu hỏi liên quan tới hoạt động trong 5 năm qua.

- Nhiều khóa làm đại biểu Quốc hội, ông nhìn nhận thế nào về việc Quốc hội lần đầu tổ chức chất vấn cả nhiệm kỳ?

- Suốt nhiều năm nay, trong hoạt động chất vấn trực tiếp ở Quốc hội, hiện tượng phổ biến khiến người hỏi và cử tri chưa thỏa mãn là có những vấn đề đặt ra nhưng câu trả lời của một vị bộ trưởng không đủ thẩm quyền để giải quyết. Ta thường lấy ví dụ một “mâm cơm” không biết bao nhiêu bộ có liên quan.

Vì thế từ lâu tôi đã đề nghị, với thời lượng có hạn trong phiên chất vấn thì chỉ nên nêu lên một số vấn đề nóng nhất mà người trả lời trước hết là Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng phụ trách, các bộ có liên quan đứng đằng sau, thì câu trả lời mới xác đáng và giải pháp mới khả thi. Cách thức như vậy giúp tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và cũng giúp Quốc hội giám sát hậu chất vấn có cơ sở hơn.

Lần này, sự tham gia của Thủ tướng, các Phó thủ tướng và bộ trưởng liên quan cùng việc nêu lên nhiều vấn đề của cả nhiệm là một bước tiến, một cải tiến rất tốt. Đương nhiên mọi đánh giá còn căn cứ trên cơ sở thực tế trong những ngày tới: câu hỏi của đại biểu Quốc hội và phần trả lời của cơ quan hành pháp.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Làm như vậy liệu có làm giảm vai trò của các Bộ trưởng, những người được coi là “tư lệnh ngành”?

- Tôi nói điều đó không phải là phủ nhận nỗ lực của các bộ trưởng. Trên thực tế, các Bộ hết sức quan tâm trả lời hoặc bằng văn bản hoặc trực tiếp tại nghị trường.

Tôi chia sẻ gánh nặng rất lớn đặt trên vai mỗi bộ trưởng. Họ làm sao có thể nhớ hết mọi chi tiết khi đại biểu chất vấn về từng vụ việc cụ thể. Câu trả lời của nhiều bộ trưởng rất nghiêm túc nhưng do cách thức thực hiện chất vấn - trả lời chất vấn vượt quá giới hạn nên sự hồi đáp lại chưa thực sự làm thỏa mãn đại biểu Quốc hội.

Vì thế, mỗi đại biểu cần cố gắng đưa các câu hỏi chất vấn một cách xác đáng, tránh các chi tiết vụn vặt. Nên đi vào vấn đề thay vì vụ việc.

- Nhiều đại biểu nhìn nhận, hoạt động chất vấn qua nhiều năm đã có những bước tiến. Theo ông, còn điều gì có thể cải tiến được ngay?

- Hoạt động chất vấn, giám sát là chức năng của Quốc hội, việc này phải làm thường xuyên và kịp thời để giải đáp ngay các vấn đề nóng.

Tôi cho rằng, các vụ việc, vấn đề liên quan đến từng bộ, ngành thì nên chất vấn liên tục. Hoạt động này nên kết hợp với các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hàng tháng thay vì chủ yếu dồn vào hai kỳ họp - cách làm đi vào nếp mà chúng ta đã thấy hiệu ứng, hiệu quả còn hạn chế.

- Ông "chấm điểm" thế nào với các bộ trưởng trong nhiệm kỳ?

- Đặt lên bàn cân tất cả bộ trưởng để so sánh thì rất khó. Bởi các trưởng ngành có liên quan đến vấn đề, lĩnh vực nóng, tạo ra hiệu ứng xã hội lớn như giao thông, y tế thì sẽ được đại biểu quan tâm, cử tri theo dõi đánh giá…

Tuy nhiên, ở góc độ của mình, tôi đánh giá Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh là người có bản lĩnh, thẳng thắn, cung cấp nhiều thông tin với quan điểm rất rõ ràng. Đấy là một mẫu hình nên phát huy.

Còn Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng thì thể hiện bằng các việc làm cụ thể.

- Là đại biểu Quốc hội 3 khóa, ông tự đánh giá mình ​ra sao trên cương vị này?

- Trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại Quốc hội thì nỗ lực cá nhân rất quan trọng nhưng đồng thời cũng cần được tạo cơ chế cũng như tính chuyên nghiệp. Với đại biểu không chuyên trách, lại không nằm ở địa bàn như tôi (ông Dương Trung Quốc là đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) thì phải nói là còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Tôi mong rằng, chất lượng Quốc hội phải hướng tới tính chuyên nghiệp cao, đòi hỏi đại biểu phải có năng lực tốt hơn đồng thời điều kiện để đại biểu thực thi trách nhiệm của mình được tốt hơn. Ở các nước khác, mỗi đại biểu đại diện cho một lợi ích nào đó và họ được cơ sở hỗ trợ bởi nhận thức và kiến thức của một đại biểu không thể nào bao quát hết được.

Tiến sĩ Trần Du Lịch:

"Phải nói rằng so với nhiệm kỳ trước thì các bộ ngành đã rất nỗ lực và trách nhiệm trong hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, xử lý vấn đề. Một số ngành tôi đánh giá thể hiện trách nhiệm cao ngay từ đầu, nỗ lực nổi bật trong xử lý nhiệm vụ, ví dụ như Ngân hành Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải.

Đại biểu Trần Du Lịch. Ảnh: N.Hưng.
Đại biểu Trần Du Lịch. Ảnh: N.Hưng.
   

Tuy nhiên, một số ngành như nông nghiệp hay lĩnh vực an toàn thực phẩm, có tính liên ngành rất cao, thành ra trách nhiệm khó phân định. Vấn đề là chất vấn lần này phải làm cho rõ ràng. Đồng thời, sau khi Luật Tổ chức Chính phủ, Luât Chính quyền địa phương triển khai (có hiệu lực từ đầu 2016) cần làm rõ trách nhiệm của trung ương, địa phương.

Về phần mình, tôi quan tâm và có thể chất vấn Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng về tiến trình cổ phần hóa, tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước - vấn đề tôi theo đuổi từ đầu kỳ. Điều gì đang vướng, cái gì chưa làm được. Và ở đây, có trách nhiệm của bộ ngành, cơ quan chủ quan không?"

Thủ tướng có 75 phút trả lời chất vấn trước Quốc hội

Dành 2,5 ngày cho các phiên chất vấn, Quốc hội muốn làm rõ việc thực hiện về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu.

 

Nguyễn Hưng thực hiện

Bạn có thể quan tâm