Cách thức chất vấn mới
Sáng 16/11, Quốc hội sẽ mở màn đợt chất vấn kéo dài 2,5 ngày (16-18/11) với cách thức mới, không chốt danh sách bộ trưởng, trưởng ngành, cũng không theo nhóm vấn đề.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội. |
Ngay sau đó là báo cáo thẩm tra của của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội do Chủ nhiệm văn phòng Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, còn báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015 do Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày.
Mỗi đại biểu có 7 phút thảo luận, chất vấn về các báo cáo và có 2 phút nếu chỉ nêu câu hỏi chất vấn mà không thảo luận. Nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nào, người đó trực tiếp trả lời theo điều hành của chủ tọa.
Chất vấn liên quan đến trách nhiệm chung của Chính phủ hoặc trách nhiệm thuộc nhiều bộ, ngành thì Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời.
Đoàn thư ký kỳ họp đề nghị, việc trả lời chất vấn cần đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng và đi thẳng vào nội dung câu hỏi chất vấn.
Cuối phiên chất vấn, Quốc hội sẽ dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 75 phút để làm rõ thêm một số nội dung liên quan và trực tiếp trả lời ý kiến đại biểu nếu có.
Các phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 sẽ kéo dài 2,5 ngày. Ảnh: TTXVN. |
4 nhóm vấn đề tập trung chất vấn
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Đoàn thư ký kỳ họp gợi ý 4 nhóm vấn đề cần tập trung thảo luận.
Một là, đánh giá tác động của nghị quyết của Quốc hội đối với việc điều hành, quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương về chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Hai là, đánh giá kết quả thực hiện của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao so với yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội và những cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương khi trả lời chất vấn tại các kỳ họp.
Ba là, những hạn chế, đặc biệt là những vấn đề còn chuyển biến chậm, những yêu cầu thực hiện trong thời gian tới.
Cuối cùng là sự cần thiết của hoạt động giám sát sau khi thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và những điểm cần rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giám sát trong thời gian tới.
Ban thư ký cũng đề nghị đại biểu tập trung chất vấn kết quả thực hiện các yêu cầu tại nghị quyết của Quốc hội và cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương khi trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội tại các kỳ họp.
Đồng thời, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm hoặc chưa đạt được các yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội đặt ra; biện pháp, giải pháp, thời hạn thực hiện các nội dung chưa đạt được và những vấn đề khác có liên quan mà đại biểu Quốc hội quan tâm.