Tài chính, ngân sách vẫn là thách thức lớn nhất
- Chúc mừng bộ trưởng tái đắc cử vị trí Bộ trưởng Tài chính với số phiếu tín nhiệm cao. Còn nhớ khi nhận nhiệm vụ lần đầu, ông nói không ngại khó khăn. Tái cử vị trí này, ông có tiếp tục tinh thần ấy?
- Đó là tinh thần cốt lõi. Bây giờ chúng tôi tự tin hơn, bởi vì công việc của mình, mình nắm được tốt hơn. Quốc hội, cử tri và Chính phủ cũng chia sẻ hơn với tình hình của tài chính, của ngân sách – điều phản ánh thực trạng nền kinh tế.
-Thời gian này, khó khăn, thách thức nhiều hơn hay ít hơn?
- Rất khó định lượng, bởi mỗi thời điểm khó khăn khác nhau phát sinh. Chúng tôi tin tưởng vào Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, chương trình hành động cũng như nghị quyết hàng năm của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
- Ông có thể chia sẻ những thách thức đặt ra trong nhiệm kỳ này và chương trình hành động của ông?
- Thách thức tài chính ngân sách đặt ra rất lớn, có một số nội dung quan trọng gắn với an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Đơn cử, chúng ta xây dựng đề án tái cơ cấu ngân sách nhà nước, tái cơ cấu chính sách thu, chi để đảm bảo cơ cấu chi hợp lý. Hai là, phải đảm bảo an toàn, an ninh tài chính gắn với đảm bảo an toàn nợ công.
Để triển khai các nội dung này, thời gian qua, Bộ Tài chính được Chính phủ giao, đang tiến hành tái cơ cấu ngân sách nhà nước gắn với đảm bảo an toàn nợ công. Theo đó, chúng ta tổ chức rà soát toàn bộ các chính sách thu từ trước tới nay. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, phải cắt giảm lộ trình thuế quan theo các hiệp định FTA đã cam kết, và trong bối cảnh giá dầu thô thế giới diễn biến phức tạp, có thể nói là không thuận lợi.
Bộ đang rà soát chính sách thu, vừa thúc đẩy kinh doanh, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách. Hai là, rà soát tổng thể chính sách chi, đảm bảo tiến tới yêu cầu dành thích đáng nguồn lực cho chi đầu tư phát triển và tiết kiệm chi thường xuyên, cũng như đảm bảo nguồn vốn trả nợ cho các khoản vay. Điều này rất quan trọng để đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
Một nội dung nữa là siết chặt đầu tư công, nhất là hiệu quả của các dự án đầu tư công từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, cũng như vốn xổ số kiến thiết và trái phiếu Chính phủ. Đó là những vấn đề thách thức.
Bộ trưởng Đinh Tiên Dũng: Tôi tự tin và tiếp tục tinh thần vượt khó. Ảnh: Hoàng Hà. |
Làm rõ trách nhiệm của bộ trưởng, chủ tịch UBND với nợ công
- 5 năm giữ túi tiền quốc gia chắc bộ trưởng đã có nhiều áp lực. 5 năm tới, ông sẽ tiếp tục vị trí này trong tâm thế như thế nào?
- Nói 5 năm là chưa phải, đến giờ tôi đã có 4 năm lo ngân sách và hơn 3 năm về thời gian trong bối cảnh yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước, dưới áp lực nền kinh tế có nhiều thay đổi, đã từng bước phục hồi. Điều này thể hiện qua dự toán ngân sách thu hàng năm.
Ngân sách phản ảnh tình hình kinh tế của đất nước. Áp lực về chi tiêu của chúng ta quá lớn, đặc biệt chúng ta phải triển khai các Nghị quyết ĐH Đảng, của TƯ trong đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội. Chi tiêu rất lớn, kể cả chi tiêu cho quốc phòng an ninh trong tình hình mới.
Nhu cầu chi tiêu lớn trong điều kiện nguồn lực của chúng ta hạn hẹp. Đây là vấn đề quan trọng, nhưng yêu cầu đặt ra của Chính phủ là phải đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, và an toàn nợ công. Đó là những cân đối lớn, và cân đối ngân sách là một trong những cân đối vĩ mô lớn nhất của Việt Nam.
Giải pháp như đã nói, có đề án đó. Chính phủ sẽ thảo luận, thông qua để báo cáo Quốc hội xem xét và thông qua, tạo đồng thuận trong toàn đảng, toàn dân để tổ chức thực hiện.
- Áp lực về chi tiêu công được ĐBQH nêu nhiều, nhất là trong bối cảnh chi thường xuyên của Chính phủ lớn. Đó có phải là ưu tiên hành động trong nhiệm kỳ mới?
- Như tôi đã nói, chúng ta cần có đề án tái cơ cấu ngân sách nhà nước. Tái cơ cấu không có nghĩa giảm chi tiêu thường xuyên đột ngột, mà giảm chi tiêu thường xuyên gắn với hiệu quả sử dụng, cải cách đồng bộ bộ máy nhà nước, triển khai đồng bộ Nghị định của Chính phủ về đẩy mạnh sự nghiệp công. Đây là những nội dung quan trọng cốt lõi, kể cả rà soát tổng thể chính sách về an sinh xã hội, đảm bảo sử dụng hiệu quả hơn.
- Chủ tịch Quốc hội phát biểu với báo giới cũng nêu, Quốc hội sẽ giám sát chặt hơn nợ công thời gian tới…
- Nợ công mấy năm qua có những bước công khai. Tình hình nợ công được công khai. Điều này quan trọng, vì ngoài theo dõi chặt chẽ số liệu còn giúp đề ra giải pháp. Trong nợ công, quan trọng nhất là khả năng trả nợ, và bố trí nguồn lực để trả nợ. Ngoài ra, phải đảm bảo các giải pháp sử dụng nợ công hiệu quả hơn.
Quản lý, sử dụng nợ công hiệu quả hơn thì ngoài cơ chế, chính sách, cần rõ ràng hơn trách nhiệm của các cấp, các ngành, các chủ đầu tư, chủ dự án, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các cấp, người quản lý, sử dụng nợ công và các tài sản có được từ nợ công.
Mong dân giám sát để xử lý cán bộ thuế, hải quan nhũng nhiễu
- Ông vừa nói không ngại xử lý các vấn đề khó. Trong khi đó, theo khảo sát, cán bộ ngành thuế, hải quan vẫn là những ngành tham nhũng nhất?
- Nói công bằng, 2-3 năm gần đây cải cách ngành thuế và hải quan rất mạnh mẽ. Điều này xã hội, doanh nghiệp và người dân thừa nhận và ghi nhận.
Trong quá trình cải cách, đổi mới, nhất là đổi mới về cơ chế quản lý, sẽ có nhiều khó khăn. Với bộ máy khá lớn, từ trung ương đến cấp huyện của cơ quan thuế, lực lượng đông, nên phải tập trung đào tạo lại cán bộ, rà soát quy trình, quy phạm, đạo đức của cơ quan thuế, hải quan. Vừa qua cơ quan giám sát cũng ghi nhận sự thay đổi.
Trong quá trình đổi mới, chúng tôi cần sự giám sát của dân, doanh nghiệp và truyền thông. Đổi mới không thể nói là quá trình đi thuận lợi, một chiều, mà vẫn có những cá nhân, con sâu làm rầu nồi canh. Chúng tôi thấy việc có nhũng nhiễu là thực tế.
Tuy nhiên, các "con sâu" đã được xử lý rất nghiêm minh, theo pháp luật, hành chính tùy mức độ.
Bộ đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt luân phiên, luân chuyển cán bộ, với hơn 10.000 cán bộ mấy năm qua. Kỷ luật nội bộ mỗi năm trên dưới 300 cán bộ công chức, đặc biệt là thuế và hải quan vi phạm hành chính.
Về cải cách, chúng tôi quyết tâm làm tiếp, kiên quyết thực hiện các Nghị quyết 19, 35, 60 của Chính phủ, đã có kế hoạch để triển khai từng nghị quyết, với các sản phẩm đầu ra cụ thể.
Tôi tin rằng cùng với thời gian, chuyển biến của ngành thuế, hải quan sẽ bắt nhịp kịp với sự đổi mới của đất nước, phục vụ dân và doanh nghiệp tốt hơn.
- Có ý kiến nêu tiêu cực trong thuế và hải quan phát hiện nhiều, nhưng ông còn nhẹ tay, không xử lý người đứng đầu các cơ quan đó?
- Sai đến đâu thì xử lý đến đấy, theo pháp luật. Có rất nhiều mức xử lý khác nhau với sai phạm: cảnh cáo, đến thôi việc… Ít hay nhiều, vấn đề là phát hiện đến đâu, xử lý đến đó và phải đúng mức.